Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28-6) phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm Uỷ ban DS-GĐ&TE tỉnh xung quanh chủ đề này.
Đồng chí Nguyễn Văn Trường: Đất nước ta sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống của nhân dân được cải thiện trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá- xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động... Từ thực tiễn người lao động có việc làm ổn định, cuộc sống được cải thiện, mối quan hệ xã hội và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thêm chặt chẽ, gắn bó. Các thành viên trong gia đình có điều kiện quan tâm đến nhau nhiều hơn. Chính từ những kết quả đó đã tạo niềm tin và trách nhiệm của từng cá nhân, toàn xã hội với gia đình. Xây dựng gia đình theo tiêu chí: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường hiện nay, quy mô gia đình hạt nhân ngày càng phát triển, tình trạng tảo hôn vẫn còn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cặp vợ chồng ly thân, ly hôn ngày càng nhiều. Quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn dẫn đến hậu quả vô sinh ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, hiếu nghĩa thuỷ chung, kính trên nhường dưới có phần mai một, các tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Mặt khác vấn đề bạo lực gia đình đã và đang diễn ra rất phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau cả về thể chất và tinh thần, với mọi lứa tuổi, cả về không gian và thời gian. Gia đình hạnh phúc phải dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, chống lại mọi bạo lực, do vậy chủ đề của công tác gia đình năm 2007 là: “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”.
* Xin đồng chí cho biết những yếu tố cần thiết để xây dựng gia đình thời kỳ mới?
Để xây dựng gia đình thời kỳ mới cần có một số yếu tố cơ bản: Có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình; phát huy quyền dân chủ và bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình; tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình có điều kiện học tập nâng cao trình độ nhận thức, phấn đấu trong công tác, mở rộng các mối quan hệ giao lưu, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể; thực hiện nghiêm túc luật bình đẳng giới; có sức khỏe, hạnh phúc, công việc và thu nhập ổn định; con cái chăm ngoan, học giỏi, không mắc các tệ nạn xã hội.
Đối với Thái Nguyên, năm 2007 Uỷ ban Dân số-GĐ&TE đã tổ chức nhiều hoạt động với chủ đề “Thắp sáng tình yêu thương trong mỗi gia đình”, toạ đàm về mô hình xây dựng gia đình văn hoá, gia đình làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ không sinh con thứ ba, câu lạc bộ không sinh con trước tuổi 22, câu lạc bộ gia đình phát triển kinh tế, câu lạc bộ sức khoẻ tiền hôn nhân, câu lạc bộ sức khoẻ sinh sản vị thành niên, mô hình gia đình đồng bào công giáo thực hiện kế hoạch hoá gia đình...
* Thực tế hiện nay, vấn đề phát huy giá trị của gia đình hiện đại và phát triển mô hình gia đình truyền thống như thế nào, thưa đồng chí?
Cấu trúc gia đình truyền thống có tính đồng nhất về khuôn mẫu, ít có nhiều loại hình như gia đình hiện nay. Về mặt chức năng, gia đình truyền thống làm đa chức năng, từ việc sinh đẻ, lao động phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người ốm đau trong gia đình, hướng nghiệp và tạo việc làm cho con cái... Gia đình là thiết chế xã hội đầu tiên để giáo dục con người, kinh nghiệm sống được lưu truyền từ thế hệ này cho thế hệ sau bằng hình thức ông bà dạy cho con cháu, bố mẹ dạy cho con cái, anh chị dạy cho em. Gia đình là môi trường gìn giữ các giá trị đạo đức, văn hoá cho cộng đồng, cho xã hội.
Gia đình hiện đại phát huy được tính năng động, sáng tạo cho mọi thành viên trong gia đình, dám nghĩ, dám làm, bứt phá để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không chịu lo nghĩ khi ở chung trong gia đình truyền thống. Tuy nhiên, nhiều khi vì lý do kinh tế mà các thành viên trong gia đình ít quan tâm đến nhau, nảy sinh đối xử phân biệt với người không làm ra kinh tế hoặc xao nhãng việc quản lý con cái dẫn đến học hành giảm sút và có thể mắc các tệ nạn xã hội.
Trong bối cảnh các giá trị truyền thống, trong đó có giá trị văn hoá gia đình đang có sự chuyển biến mạnh mẽ dưới tác động của các điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội. Việc nhận diện, lưu truyền các đặc điểm của gia đình Việt Nam truyền thống là hết sức cần thiết. Đây chính là cơ sở để lựa chọn và phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những tiêu cực, lạc hậu của gia đình truyền thống để xây dựng gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng trong giáo dục nhân cách cho mỗi thành viên và là pháo đài vững chắc chống lại tệ nạn xã hội.