Ý kiến, nguyện vọng của cử tri

09:22, 11/07/2007

Rất nhiều cử tri đã phản ánh nguyện vọng, tâm tư tới Báo Thái Nguyên với mong muốn Báo Đảng là kênh chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ 8, H ĐND tỉnh khóa XI vừa được khai mạc sáng nay.

Tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện mặt hàng chính sách vật tư nông nghiệp
Ông Nguyễn Đình Ngoạt, Giám đốc Công ty CP vật tư nông nghiệp tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị được giao thực hiện cung ứng các mặt hàng chính sách về vật tư nông nghiệp. Trong quy định của tỉnh về trợ cước cho các mặt hàng chính sách có thể hiện rõ các đơn vị đủ điều kiện mới được hưởng cơ chế này. Do đó, chúng tôi đề nghị những cơ sở nào không đủ điều kiện nữa, tỉnh cũng nên loại ra khỏi danh sách được hưởng trợ cước vận chuyển vật tư nông nghiệp.

Về phía Công ty, những năm trước đều đạt kế hoạch cung ứng 30.000 tấn vật tư các loại, trong đó được tỉnh giao thực hiện trợ cước 17.000 tấn. Đến năm nay, Công ty dự định thực hiện cung ứng tới 60.000 tấn, tỉnh vẫn chỉ cho phép thực hiện trợ cước 17.000 tấn. Như vậy là thêm phần khó khăn cho đơn vị vì thực tế thị trường cũng như phương cách sản xuất đã thay đổi rất nhiều. Đề nghị tỉnh cân đối, phân bổ lượng vật tư nông nghiệp được hưởng trợ cước hợp lý cho các đơn vị đang thực hiện cơ chế này.


Nâng cao trách nhiệm QLBV rừng của chính quyền cấp xã

Ông Đỗ Đức Thịnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đồng Hỷ

Từ đầu năm đến nay, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Việc QLBV rừng cũng được thực hiện khá tốt. Song, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn chưa giải quyết được. Đáng chú ý nhất là vấn đề nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong QLBV rừng. Theo quy định thì chính quyền cấp xã hiện nay có quyền cho phép khai thác, xác nhận vận chuyển gỗ (vườn rừng) trên địa bàn. Đổi lại, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng phải QLBV rừng thật tốt. Tuy nhiên, tình trạng chung hiện nay là chính quyền cấp xã chỉ thực hiện quyền mà chưa thật sự chú tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Vì thế, rừng vẫn bị phá mà không quản lý được tận gốc. Do đó, cũng phải có chế tài xử lý đối với những địa phương nào không phối hợp thực hiện tốt công tác QLBV rừng.

Cần có chính sách thu hút cán bộ y tế làm việc ở xã, phường
Ông Ngô Văn Thịnh, Trạm y tế phường Thịnh Đán T.P Thái Nguyên

Cán bộ y tế cơ sở xã, phường đang hàng ngày phải làm rất nhiều công việc, kể từ công tác phòng, chống dịch bệnh đến việc khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá mới... Nhưng, chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế ở xã, phường hiện nay còn hạn chế, mỗi đêm trực chỉ được 10.000 đồng, chưa tương xứng với công sức lao động. Đặc biệt, với cán bộ y tế công tác ở các xã vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn lại chưa có chính sách thu hút như đối với cán bộ khác. Với đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, trung bình một tháng họ phải mất ít nhất 4 ngày cho công việc chuyên môn, chưa kể các đợt chiến dịch, song chế độ phụ cấp được chi trả rất thấp. Cùng với đó cán bộ y tế xã, phường liên tục phải luân chuyển địa bàn, nên có ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý công tác. Đã vậy, sự điều hành giữa Phòng y tế cấp huyện và chính quyền sở tại nhiều khi không có sự thống nhất, gây chồng chéo. Ngoài ra còn có tình trạng về cùng một công việc, trạm y tế xã, phường phải làm nhiều báo cáo: Với chính quyền sở tại, với phòng y tế và với bệnh viện cấp huyện. Song, điều đáng quan tâm là Nhà nước cần có một cơ chế hợp lý hơn để khuyến khích cán bộ y tế gắn bó với xã, phường nơi công tác.

Cần có chính sách hợp lý hơn nữa với phụ nữ người dân tộc thiểu số
Bà Lý Thị Minh Khai, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm tới cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, trong đó có phụ nữ. Nhưng tôi thấy, để chị em người đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao được thật sự tiến bộ, Nhà nước cần có chính sách hợp lý hơn nữa, như: Mở các lớp học cho chị em được học chữ; tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất; tạo điều kiện cho hội viên nữ được vay vốn ưu đãi với số lượng lớn hơn, thời gian vay lâu hơn; có chế độ cho chị em được tham gia các lớp học nghề; tăng cường hơn nữa trong tư vấn sức khoẻ sinh sản... Như vậy, phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ hết mù chữ; mọi người biết cách làm kinh tế hiệu quả; tình trạng sinh nở không có kế hoạch chấm dứt... Đời sống của mọi người nâng nâng cao. Đặc biệt là sau này, các bé gái con em đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa không phải sớm bỏ học để lao động cực nhọc như cha mẹ chúng.

Giảm bớt các khâu trung gian bán điện
Ông Nguyễn Văn Sách, xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên

Một thực tế là người dân xã Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên đã được sử dụng điện quốc gia từ rất nhiều năm nay. Song, nhiều xóm người dân đang phải dùng điện với giá mua quá cao, trên 1.000 đồng kw/h. Đã vậy, điện lại quá yếu, khi cần thì không đủ, khi đủ lại không cần. Tất cả cũng bởi lý do người dùng điện phải qua nhiều khâu trung gian, bắt đầu là HTX dịch vụ điện quản lý công tơ tổng, tiếp đến là các đầu mối trung gian, quản lý các công tơ tổng của nhánh. Đó là lý do giá điện lên cao, người tiêu dùng phải chịu phí. Tôi kiến nghị với tỉnh là cần có giải pháp hợp lý hơn, cụ thể là ngành điện nên đầu tư xây dựng đường điện, bán điện trực tiếp cho dân. Không nên để tình trạng như hiện nay kéo dài, làm đời sống người nông dân thêm khó khăn. Vì nông dân vùng này chủ yếu sản xuất chè, điện yếu máy không chạy được, hoặc do điện phập phù dễ gây hỏng máy móc thiết bị.