3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị

16:32, 23/10/2007

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn cực kỳ quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Trong vùng có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, bao gồm nhiều triệu héc-ta rừng, nguồn tài nguyên nước dồi dào, nhiều khoáng sản quý hiếm, có trữ lượng lớn...

Thiên nhiên còn ban tặng cho nơi đây nhiều cảnh quan kỳ thú như núi Cô Tiên (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), động Tam Thanh - Nhị Thanh (Lạng Sơn), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), thị trấn Sa Pa (Lào Cai), cánh đồng Than Uyên (Lai Châu), thung lũng Mai Châu (Hòa Bình), cao nguyên Mộc Châu (Sơn La)... Là nơi cội nguồn dân tộc với đất Tổ Hùng Vương; có nền văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun... nổi tiếng.

Là “phên dậu” của Tổ quốc, nhiều địa danh trong vùng đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công lừng lẫy như Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng (Lạng Sơn), ATK Định Hoá (Thái Nguyên), mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào (Tuyên Quang), Pắc Pó (Cao Bằng)...

Thái Nguyên là một trong những tỉnh thuộc khu vực vùng trung du và miền núi phía Bắc, được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 37 là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục, y tế của vùng. Để đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống, nhằm tạo ra bước phát triển mới về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn, ngay sau khi có Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo, tỉnh đã khẩn trương xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết trong Quý I năm 2005. Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, công trình trọng điểm nhằm cụ thể hoá các mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết 37 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Qua 3 năm thực hiện, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực. Sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh và phát triển tương đối toàn diện. Đời sống của đại bộ phận nhân dân từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 đạt 8,9%, năm 2006 đạt 10,8% và dự ước năm 2007 đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người (theo giá thực tế) năm 2005 là 5,82 triệu đồng, năm 2006 là 6,94 triệu đồng và năm 2007 là 8 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2005 đạt 4.760 tỷ đồng, năm 2006 đạt 5.748 tỷ đồng và năm 2007 ước đạt 7.050 tỷ đồng. Tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước; năm 2007 dự ước đạt khoảng trên 700 tỷ đồng.

Một số công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sản xuất đã phát huy tác dụng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất trên địa bàn. Sản lượng lương thực có hạt năm 2005 là 377.211 tấn, năm 2006 là 385.000 tấn, năm 2007 là 400.000 tấn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển với quy mô tập trung, theo hướng sản xuất hàng hoá. Trồng rừng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tiếp tục được đẩy mạnh, độ che phủ rừng đạt 45%. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay 100% số xã đã xây dựng điểm Bưu điện - Văn hoá. Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh đang thử nghiệm phát sóng chương trình truyền hình bằng các tiếng dân tộc Tày, Nùng và Dao.

Năm 2004, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục bậc trung học trên phạm vi toàn tỉnh. Đại học Thái Nguyên đang được đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất, mở rộng ngành nghề đào tạo đúng theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và tăng cường , đến nay có 76 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và triển khai thực hiện đầu tư các trung tâm y tế chuyên sâu để Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng Đông Bắc về khám chữa bệnh. Công tác xoá đói giảm nghèo được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2,5%. Tạo việc làm mới bình quân hàng năm cho khoảng 13.000 người. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt nhiều kết quả tích cực.

Nghị quyết 37/NQ-TW đã thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị hiệu quả còn thấp; một số chương trình dự án triển khai chậm; một số bộ, ngành Trung ương chưa tích cực vào cuộc cùng với địa phương; công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra chưa quyết liệt; vẫn còn tư tưởng trông chờ vào Trung ương...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được qua ba năm thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW của Bộ Chính trị, cùng với sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp; với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, chắc chắn trong thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ta sẽ có nhiều khởi sắc, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết 37, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.