Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đóng góp ý kiến vào kế hoạch 2008

08:15, 25/10/2007

Ngày 23-10-2007, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2007 và dự kiến kế hoạch năm 2008. Các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Thái Nguyên thảo luận cùng tổ với ĐBQH các đoàn Hà Giang, Phú Yên và Quảng Trị. Dưới đây là lược ghi ý kiến của các vị ĐBQH Đoàn Thái Nguyên.

Đại biểu Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng:

- Chưa bao giờ đất nước có được vị thế tốt đẹp, thuận lợi như hiện nay. Mặc dù có không ít khó khăn nhưng nền kinh tế của đất nước đã tăng trưởng ở mức cao nhất từ trước đến nay là 8,5%. Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như năm 2007 thì năm 2008 nước ta sẽ thoát khỏi danh sách những nước chậm phát triển, tức là ta đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thời gian của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra.

- Về đối ngoại, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được quốc tế rất trân trọng. Quốc hội Việt Nam đã được bầu làm thành viên Ban chấp hành Liên minh Nghị viện thế giới. Việt Nam đã trở thành ---ủy viên không thường trực của Hội động Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của hành tinh…

- Kết quả năm 2007 là hết sức phấn khởi nhưng điều quan trọng và khó hơn là làm thế nào để giữ vững và duy trì được tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng một cách bền vững.

- Về kế hoạch năm 2008, hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ nhưng phải tính toán, cân nhắc vì có nhiều thách thức rất lớn như đã đến lúc chúng ta phải thực hiện tất cả những cam kết khi vào WTO và lường cho hết những khó khăn tiềm ẩn. Phân hoá giàu nghèo giữa các khu vực, các tầng lớp dân cư phải được giải quyết vì đây là bản chất của chế độ ta.

- Những chính sách hỗ trợ có mặt tốt là hỗ trợ những vùng khó khăn phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân nhưng có mặt không tốt là có một số nơi không ra khỏi danh sách để tiếp tục được hưởng chính sách. Vì vậy phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để đồng bào cố gắng tự lực vươn lên. Đồng thời cần thay đổi cách làm trong việc xây dựng những công trình ở địa phương để đồng bào thay đổi nhận thức đây là công việc của mình, khắc phục tư tưởng ỷ lại. Đồng bào tham gia đóng góp công sức và được hưởng công sức đóng góp. Không nên chỉ đầu tư vốn và đưa các công ty xây dựng vào làm tất cả mọi việc.

- Tập trung phát triển kinh tế nhưng phải quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó tập trung cho giáo dục và y tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh:

- Rất nhiều công trình xây dựng trong cả nước không đảm bảo chất lượng là lãng phí của lãng phí. Đề nghị phải tăng cường công tác giám sát chất lượng công trình xây dựng một cách quyết liệt hơn nữa. Sự thiếu trách nhiệm gây lãng phí lớn cần được xem xét trách nhiệm hình sự để khắc phục tình trạng này.

- Việc giải ngân cho các công trình, dự án quá chậm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Ví dụ ở Thái Nguyên, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đã giải phóng mặt bằng (GPMB) xong từ lâu nhưng tiến độ công trình rất chậm.

- Chính sách đền bù do thu hồi đất cho các công trình, dự án có những quy định không phù hợp, khó khăn cho việc GPMB như việc doanh nghiệp phải thoả thuận giá đền bù với người bị thu hồi đất. Đề nghị nhanh chóng sửa đổi, bổ sung quy định này. Năng lực của nhà thầu kém cũng là nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến độ thực hiện chương trình, dự án.

- Phải nhanh chóng củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đền bù, GPMB thông thạo chuyên môn nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt để hạn chế tối đa những vướng mắc, tồn tại trong công tác GPMB các công trình, dự án.

- Đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp và nông dân thấp là nguyên nhân khiến nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp chậm. Đề nghị tiếp tục chính sách hỗ trợ cho những vùng khó khăn như ATK, các xã 135…

- Trong xuất khẩu chưa có những mặt hàng mới, chủ yếu vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô như than đá, dầu thô… Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nguyên liệu quý hiếm để đảm bảo nguyên liệu về lâu dài cho đất nước, tránh tình như trạng bây giờ thì xuất khẩu than đá, sau này lại nhập khẩu than đá cho nhiệt điện.

- Về bảo hộ kinh tế, cần làm rõ loại việc gì, mặt hàng gì thì bảo hộ hoặc không bảo hộ. Ví dụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp của Việt Nam đắt nhất thế giới như hiện nay là không chấp nhận được. Bảo hộ cho xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng là bảo hộ tốt nhất cần được chú trọng.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh:

Làm thế nào để người dân được trực tiếp hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế. Không nên trợ cước, trợ giá hàng hoá mà nên tập trung nguồn vốn đó vào phát triển cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo... Chăm lo cho nhân dân cần phải thể hiện ở những việc rất cụ thể như quy định sĩ số của một lớp học ở miền núi, vùng cao phải khác với đồng bằng, đô thị; hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm… Nghị quyết của Bộ Chính trị về đầu tư triển kinh tế-xã hội những vùng như Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam đã đem lại những kết quả tốt. Tuy nhiên vẫn còn không ít những tồn tại như tiến độ thực hiện chậm hoặc có nhiều việc chưa được triển khai thực hiện. Đề nghị đánh giá một cách đầy đủ về kết quả, tồn tại, nguyên nhân vì sao có những việc chưa được thực hiện và kế hoạch thực hiện những việc đó...

Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH:

Chính phủ đánh giá kết quả kiểm toán Nhà nước năm 2006 có tác động như thế nào đối với điều hành ngân sách năm 2007. Để giảm thiểu TNGT nếu chỉ xử lý trách nhiệm với người sử dụng phương tiện (người làm thuê) thì chưa đủ. Đề nghị phải quy định và xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông (chủ xe khách, xe tải…). Giá tiêu dùng tăng còn do một nguyên nhân là quản lý thị trường kém. Giải ngân cho các công trình, dự án chậm còn có nguyên nhân là cải cách hành chính kém hiệu quả, thủ tục rườm rà và sự nhũng nhiễu của nhiều công chức...

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên:

Việc tỉnh nào cũng có trường đại học sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không tốt như chất lượng đào tạo không đảm bảo vì không có đủ cơ sở vật chất và giáo viên có đủ tiêu chuẩn, gây lãng phí cho xã hội và sự cạnh tranh giáo viên giữa các trường. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nước ta đang thừa thầy thiếu thợ là chưa đúng. Thực ra ta vẫn đang thiếu cả thầy và thợ. Tâm lý chung của phụ huynh và học sinh là ai cũng muốn học đại học và cao đẳng. Vấn đề là nếu thu nhập của người học nghề không bị chênh lệch nhiều và tìm việc làm không khó khăn thì sẽ thu hút được nhiều người học nghề hơn. Cử tuyển học sinh sai đối tượng phải trả về địa phương là lỗi hỗn hợp của cả nơi cử và nơi nhận. Địa phương thì cử sai đối tượng, nhà trường thì không kiểm tra chặt chẽ. Để cử tuyển đúng chính sách thì phải đề cao trách nhiệm của cả địa phương và nhà trường...

Đại biểu Phan Văn Tường, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh:

Khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, miền và các tầng lớp dân cư là vấn đề phải được tập trung quan tâm giải quyết. Phụ cấp cho cán bộ đoàn thể ở thôn, xóm không quy định mức cụ thể, thống nhất mà giao cho các địa phương là vấn đề khó khăn cho những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách...

Đại biểu Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CP May xuất khẩu Thái Nguyên:

Chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho những sản phẩm có chất lượng tốt và tiêu thụ ổn định. Trong báo cáo về kinh tế-xã hội nên có phụ lục về những nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh cao để các địa phương, các doanh nghiệp nghiên cứu, lựa chọn đầu tư, phát triển. Khi nền kinh tế của đất nước còn chưa mạnh thì nên tập trung phát triển những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh để tăng thu ngân sách, khi nào kinh tế khá rồi thì mới đầu tư đồng đều vào những lĩnh vưc khác...