Vỡ đập, hàng chục nghìn nhà chìm trong nước

11:50, 04/10/2007

Ngày 5/10, đập chính hồ Cửa Đạt, Thanh Hóa (nơi đang thi công công trình thủy lợi - thủy điện) bị vỡ dài hơn 100m. Ít nhất 3 người chết. Gần 30 người dân phải đeo bám trên cây, kêu cứu.

Một đoạn đập chính với chiều dài khoảng 100m bị cuốn trôi trong chốc lát. Một chuyên gia có kinh nghiệm trong xây dựng các công trình hồ đập có mặt tại hiện trường cho biết: "Có khoảng 600.000m3 đất đá đã bị cuốn trôi trong sự cố này. Ước tính thiệt hại lên tới 200 tỷ đồng, chưa kể đến tiến độ công trình sẽ bị chậm trễ nhiều tháng".

Tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã sơ tán được gần 2 vạn dân. Nhiều người dân không kịp sơ tán đã phải trèo lên nóc nhà và các cành cây cao để tránh lũ.

Các lực lượng cứu hộ đã phải tuyệt vọng đứng trong bờ nhìn ra biển nước mênh mông. Sáng 5/10, bằng nhiều nỗ lực bất chấp cả hiểm nguy, lực lượng công an mới cho xuồng ra cứu số người dân này vào bờ.

Lũ lớn cũng đã làm thiệt mạng 3 người dân, trong đó có trường hợp một thanh niên là Lưu Đình Hà, 17 tuổi, học sinh lớp 11 trường THPT Lam Kinh, quê xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, chết trong khi cứu bạn học bị lũ cuốn trôi.

Tại xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (cuối nguồn sông Chu), nước lũ cũng đã dâng cao nhanh chóng khiến người dân chỉ dắt được trâu, bò, lợn gà, còn thóc gạo và những đồ dùng thiết yếu đều phải bỏ lại ngôi nhà đang ngập chìm trong nước. Toàn huyện Thiệu Hóa có hơn 2.000 nóc nhà bị ngập lụt, hơn 6.000 dân phải đi sơ tán gấp.

Vỡ đê sông Bưởi

Trong lúc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa đang khẩn trương sơ tán dân tránh lũ, ở các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa (dọc theo sông Mã) và các huyện Thạch Thành, Hà Trung (dọc sông Bưởi), hai hệ thống đê sông Mã và sông Bưởi đang nguy cấp.

Tại khu vực hạ lưu sông Mã, thuộc huyện Hoằng Hóa đã xảy ra nhiều điểm sùi mặt đê, khiến các lực lượng hộ đê phải huy động nhiều nhân lực cùng vật tư khắc phục. Tại Vĩnh Quang, Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc), lũ trên sông Mã đã tràn qua đê. Đến 16h 30, hầu như trên toàn tuyến đê sông Mã lũ đã tràn qua.

Ngay sau khi đi kiểm tra tuyến đê sông Mã về, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã điều động tất cả các lực lượng có thể để tham gia công tác hộ đê. Quân đoàn 1 đã phải điều động 1.000 quân về tăng cường để chống lũ tại Thanh Hóa, cùng với hơn 2.000 bộ đội của QK4 huy động trước đó. Chúng tôi đã sơ tán được hơn 54.000 dân tránh lũ an toàn".

Lúc 21h, tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, còi ủ liên hồi báo hiệu việc chủ động cho lũ sông Bưởi chảy tràn. Gần 23h, đê sông Bưởi đã bị vỡ tại khu vực thị trấn này. Thị trấn Kim Tân đã bị ngập chìm trong biển nước.

Cuối giờ chiều, toàn tỉnh đã có 18.478 nhà dân bị ngập sâu trong lũ, 2 người dân bị lũ cuốn; 29 cầu cống bị trôi; hơn 80.000 ha lúa màu, đồng nuôi trồng thủy sản bị ngập úng hư hỏng. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 320 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại do vỡ đập chính hồ Cửa Đạt.

Theo tổng hợp của TTXVN tại các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung cho biết thiệt hại do mưa lũ đến 22h30’ ngày 5/10 bước đầu xác định có 28 người chết, mất tích (Nghệ An: 16 người ; Thanh Hóa: 3 người; Sơn La: 7 người chết; Yên Bái: 2 người). Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, sập đổ nhiều nhà cửa và phá hoại hoa màu.