Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên góp ý kiến vào các dự án Luật

17:07, 10/11/2007

Trong 2 ngày 8 và 9-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thảo luận ở tổ về các dự án luật: Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, Luật năng lượng nguyên tử và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Góp ý vào dự án Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, đại biểu Phan Văn Tường phát biểu: Nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Về nội dung của dự án Luật, đề nghị ban soạn thảo chú ý phải thật chặt chẽ về các điều kiện trưng mua, trưng dụng, nên theo hướng hạn chế điều kiện trưng mua, tăng điều kiện trưng dụng. Trình tự, phương pháp và mốc thời gian thực hiện. Vì hiệu quả của trưng mua, trưng dụng phát huy được khi đảm bảo tính kịp thời nên thời gian từng bước phải được ấn định rõ ràng. Đại biểu Phan Văn Tường cũng đề nghị sửa, điều chỉnh một số điều khoản cụ thể của dự án Luật để đảm bảo tính lô gíc, phù hợp và hợp lý của dự án Luật...

Về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là quá rộng, trùng lặp với một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Khoáng sản... Do vậy để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả của dự án Luật, đề nghị thu hẹp lại phạm vi điều chỉnh của Luật, chỉ điều chỉnh trong phạm vi quản lý, sử dụng tài sản công.

Về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Vượng và đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng có quan điểm là nhất trí phương án 2 ở Điều 3, quy định hình thức văn bản quy phạm pháp luật của dự án Luật. Về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật phải được thể hiện ngay trong nội dung của văn bản hoặc có hiệu lực sau khi Chủ tịch nước ký ban hành.

Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng Quốc hội nào cũng có cơ quan, viện nghiên cứu chiến lược xây dựng luật pháp. Vì vậy đề nghị tới đây Quốc hội Việt Nam cũng nên thành lập một số cơ quan chuyên nghiên cứu chiến lược xây dựng luật pháp để đưa ra các chương trình xây dựng luật pháp riêng của Quốc hội bên cạnh chương trình xây dựng luật pháp của Chính phủ. Đồng thời đại biểu Lê Thị Nga cũng đề nghị Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra các dự án luật trước khi trình Quốc hội để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với các văn bản luật đã ban hành.

Về dự án Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu rõ sự cần thiết phải ban hành luật này vì hoạt động chữ thập đỏ trong suốt 61 năm qua đã góp phần quan trọng trong hoạt động nhân đạo, từ thiện và ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên cần phải có một văn bản luật thống nhất góp phần thể chế hoá đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chữ thập đỏ. Đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế, khẳng định cam kết của Việt Nam với phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trong việc thực thi các công ước mà Việt Nam đã tham gia. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số điều, khoản của dự án Luật để dự án Luật được hợp lý, cụ thể và rõ ràng hơn.

Góp ý xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phát biểu: Đây là một dự án luật chuyên ngành, rất mới, chúng ta chưa có cơ sở thực tiễn nên đề nghị ban soạn thảo phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản pháp luật cũng như thực tiễn của các nước trên thế giới. Cần tăng cường nội dung hợp tác quốc tế nhiều hơn trong dự án luật. Về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng cần quy định thêm chức năng thẩm định về chính sách, quy hoạch đảm bảo phát triển năng lượng hạt nhân được an toàn...