Giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án đang là yêu cầu cấp thiết

07:57, 29/11/2007

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là vấn đề “nóng” của các dự án tại Thái Nguyên. Nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác GPMB, tuy nhiên, do cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi; công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế nên tiến độ GPMB còn chậm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.

Những vấn đề mới về chính sách bồi thường GPMB theo Nghị định 84 của Chính phủ.


Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường GPMB nên ngày 25-5-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2007/NĐ- CP Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá đất các loại.

Về Nghị định 84/2007/NĐ- CP tập trung vào việc làm rõ, bổ sung Nghị định 197/2004/NĐ- CP và Nghị định 17/2006/NĐ- CP về một số những vấn đề cơ bản chính sách bồi thường, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nguyên tắc xuyên suốt của Nghị định 84/2007/NĐ- CP là đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất, thực hiện hài hoà 3 lợi ích: Người sử dụng đất, nhà đầu tư và quyền của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Nghị định 84/2007/NĐ- CP còn khẳng định tiếp: Phải thực hiện công khai hoá toàn bộ cơ chế , chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến cá nhân, tổ chức sử dụng đất trong vùng dự án; vấn đề tái định cư cũng được quy định rõ hơn và phải thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư .Theo quy định của Nghị định 84/2007/NĐ- CP khi thực hiện GPMB cần lưu ý một số điểm cụ thể sau:

Đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được bồi thường theo quy định; mức bồi thường được xác định phù hợp với nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất đang quản lý sử dụng. Nghị định cũng qui định rõ những trường hợp sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất tại Điều 14; điều 44 Nghị định 84.

Việc thực hiện bồi thường , hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) quy định rõ theo hướng : Bồi thường thiệt hại đối với diện tích đất bị thu hồi (tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân) cộng với việc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề và hỗ trợ kinh phí tối thiểu cần thiết cho hộ SXNN khi chuyển sang nghề mới (điều kiện hành nghề) qui định tại điều 48 Nghị định 84/2007/NĐ- CP và Quyết định số 2550/2007/QĐ-UBND ngày 14-11-2007 của UBND tỉnh.

Nghị định quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất; điều 34,35,36,37,3,39,40 và trường hợp doanh nghiệp tự thoả thuận với người sử dụng đất mà không thuộc trường hợp Nhà nước phải thu hồi : điều 41 của nghị định 84/2007/NĐ- CP

Về trình tự, thủ tục thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tại Nghị định 84/2007/NĐ- CP dành hẳn chương V (quy định từ điều 49 đến điều 61). Nghị định quy định chi tiết trình tự, từng bước công việc, thẩm quyền và thời hạn thực hiện. Điểm mới ở đây là : Yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB phải lập phương án tổng thể có đủ 10 nội dung và xác định năng lực tài chính, tính khả thi của dự án (điều 51- Nghị định 84/2007/NĐ- CP). Phương án tổng thể được công bố, công khai cho người dân sử dụng đất trong vùng dự án biết lý do thu hồi đất, dự kiến mức bồi thường , hỗ trợ ,tái định cư; biện pháp chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm; thời gian di chuyển, bàn giao đất bị thu hồi nếu trong phương án tổng thể. Sau 20 ngày nếu người sử dụng đất không có ý kiến gì thì cơ quan tài nguyên và môi trường hoàn chỉnh hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai (điều 52,điều 53 Nghị định 84/2007/NĐ- CP).

Về giá đất để xác định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 2 điều 1 Nghị định 123/2007/NĐ- CP ngày 27-7-2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ- CP ngày 16-11-2004 về phương pháp xác định gía đất và khung giá các loại đất “ Gía chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại một thời điểm xác định là số tiền Việt Nam tính trên một đơn vị diện tích đất theo từng mục đích, sử dụng hợp pháp, được hình thành từ những kết quả của những giao dịch thực tế đã hoàn thành , mang tính phổ biến giữa người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng trong điều kiện thương mại bình thường, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến không hợp lý như : đầu cơ, thiên tai, địch hoạ, khủng hoảng kinh tế, tài chính, thay đổi qui hoạch, chuyển nhượng trong tình trạng bị ép buộc, có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi và những trường hợp khác do Bộ Tài chính quy định”.

Trong trường hợp đặc biệt khác, việc điều chỉnh giá các loại đất cụ thể tại địa phương, thực hiện quy định tại khoản 12 điều 1 Nghị định 123/2007/NĐ- CP ngày 27-7-2007 của Chính phủ.

Những kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại địa phương

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề lớn, nhậy cảm. Vì công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất liên quan đến quyền lợi cụ thể của những con người cụ thể, đang sống và cho cả những người đã chết.Chính sách bồi thường liên quan đến nhiều văn bản pháp luật: Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật ngân sách, Luật dân sự, Khiếu nại tố cáo vv….nên cần có sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp. Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, theo quy định của Nhà nước cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách bồi thường GPMB thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan chuyên môn ... thực hiện công khai chính sách, minh bạch và dân chủ trong tổ chức thực hiện khi tiến hành GPMB. Thực hiện tốt nội dung trên đồng nghĩa với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhằm giảm đến mức thấp nhất thắc mắc khiếu kiện của nhân dân.

Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách bồi thường GPMB với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau cho phù hợp với từng địa phương và điều kịên cụ thể của từng dự án; thông tin đến với người sử dụng đất sao cho dể hiểu, dễ tiếp nhận, dễ kiểm tra, dễ thực hiện.Việc công khai cần tập trung vào : Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chính sách bồi thường, chính sách giá cả, hỗ trợ, tái định cư... và được tổ chức thuận lợi cho nhân dân tiếp nhận thông tin, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát cơ quan chức năng thực thi công vụ. Những vấn đề trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lỹ Nhà nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đề nghị các bộ ngành TW sớm có Thông tư hướng dẫn Nghị định 84/2007/NĐ-CP và Nghị định 123/2007/NĐ-CP để địa phương thống nhất triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp rà soát lại các quy định thuộc thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giá đất theo quy định của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó cần hết sức lưu ý: Chính sách tái định cư, các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp, nguồn lực tài chính để thực hiện dự án. Kịp thời ban hành các loại giá theo quy định: đất, nhà ở, vật kiến trúc, cây cối, hoa mầu vv.. đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được bồi thường khi tiến hành GPMB, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất. Xử lý kịp thời những vi phạm, đảm bảo việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai có hiệu quả và tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ theo quy định của Luật đất đai.

Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường GPMB: Cần tiếp tục nghiên cứu, củng cố và tăng cường lực lượng cả bộ phận tham mưu giúp việc và tổ chức nghiệp vụ làm công tác này. Đây là yếu tố có tính chất quan trọng giúp cho công tác GPMB thực hiện đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra và giảm thắc mắc, khiếu nại của nhân dân. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ, đánh giá cán bộ, công chức một cách khách quan. Khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị có thành tích, xử lý nghiêm cá nhân lợi dụng công vụ , vi phạm qui định của Nhà nước.

Thực hiện việc phân cấp mạnh hơn về lập, thẩm định và phê duyệt phương án , dự toán bồi thường GPMB cho cấp huyện trên cơ sở củng cố bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường cả về số lượng và chất lượng. Mô hình theo hướng là đơn vị sự nghiệp có thu, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc phân cấp sẽ tăng thêm quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, giảm công việc sự vụ cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp tỉnh để dành thời gian cho việc xây dựng chính sách , hướng dẫn chính sách. Kiểm tra việc thực hiện, đồng thời tập trung vào những công trình trọng điểm. Yêu cầu các nhà đầu tư phải chuẩn bị đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án- chấp hành và tuân thủ nghiêm về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có kế hoạch cụ thể thực hiện dự án, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền địa phương trong công tác GPMB.

Các cấp, ngành liên quan xây dựng mối quan hệ hợp tác, phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân trong việc vận động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chính sách về bồi thường GPMB. Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ , chính quyền các cấp tham gia vào việc tuyên truyền vận động, thuyết phục hội viên, đoàn viên, hộ gia đình trong vùng dự án thực hiện gương mẫu chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo: Cùng với việc hoàn chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách, kiện toàn bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường GPMB yêu cầu đặt ra cho việc giải quyết khiếu nại tố cáo nói chung và lĩnh vực GPMB nói riêng là hết sức cấp thiết.

Các cấp, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý các việc nổi cộm liên quan đến khiếu nại, tố cáo GPMB các dự án lớn của tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đã bảo đảm quyền lợi về bồi thường GPMB mà vẫn không thực hiện quyết định thu hồi đất của nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sớm có kết luận sử lý đúng việc, đúng người, đúng tội theo quy định của Pháp luật.

Đồng thời, tiến hành sơ tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách bồi thường , hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn. Có đánh giá, kiểm điểm một cách đầy đủ khách quan những kết quả đạt được, những thiếu sót, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Để từ đó bổ sung vào công tác xây dựng chính sách , hoàn chỉnh bộ máy, tăng cường công tác lãnh đạo , chỉ đạo việc thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.