Giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án đang là yêu cầu cấp thiết

09:10, 28/11/2007

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là vấn đề “nóng” của các dự án tại Thái Nguyên. Nhiều năm qua, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác GPMB, tuy nhiên, do cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi; công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế nên tiến độ GPMB còn chậm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu để người sử dụng đất hiểu được nguyên nhân GPMB chậm; những vấn đề mới về chính sách bồi thường GPMB và sự cần thiết vào cuộc của các ngành, các cấp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.

Nguyên nhân dẫn đến công tác GPMB chậm trong thời gian qua?

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là một khâu trong việc thực hiện xây dựng các dự án. Thời gian qua, thực hiện qui định của Luật đất đai, việc tạo ra quĩ đất cho các dự án an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị và nông thôn, tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đạt được những kết quả trên có thể nói rằng: Trước hết, đại bộ phận cá nhân, tổ chức sử dụng đất đã tự giác chấp hành đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ủng hộ và tạo điều kiện trong việc giao đất cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác GPMB, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung công tác lãnh đạo chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật, các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương và cụ thể hoá tại địa phương; tuyên truyền, phổ biến và động viên nhân dân chấp hành, thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thì tiến độ GPMB và giao đất cho các dự án còn chậm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Trước hết giai đoạn vừa qua do có sự thay đổi cơ chế chính sách (Luật đất đai năm 2003 - có hiệu lực ngày 1-7-2004) nhằm đáp ứng tình hình thực tế của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ Quốc tế, dẫn đến chính sách bồi thường GPMB cũng thay đổi theo. Xu thế của chính sách mới là ngày càng bảo đảm quyền và nghĩa vụ cao nhất cho người sử dụng đất. Điều này dẫn đến thực tế: Cùng một địa phương, 2 mảnh đất gần liền nhau, nhưng thu hồi đất khác thời điểm thì quyền lợi khác nhau (thậm chí là rất xa). Cũng theo qui định của Luật đất đai, ngày 1- 1 hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc T.W công bố giá các loại đất để áp dụng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cá nhân và tổ chức đang quản lý và sử dụng đất.

Thứ hai, cả một thời gian dài, công tác quản lý đất đai có nhiều hạn chế (cá biệt có nơi buông lỏng quản lý); việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gặp nhiều khó khăn, đặc biệt việc chuyển quản lý đất đai từ không công nhận là hàng hoá sang đất có giá trị ( Luật đất đai năm 1993) đã tạo ra hàng loạt vấn đề về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải giải quyết rất phức tạp. Chỉ nói riêng Luật đất đai năm 2003 (có hiệu lực từ 1-7-2004) thì tháng 11, tháng 12- 2004, Chính phủ có tới gần 10 Nghị định hướng dẫn thực hiện. Tính đến thời điểm này, Chính phủ có tới 5 nghị định hướng dẫn Luật đất đai 2003 có liên quan tới công tác bồi thường GPMB và gần đây nhất là Nghị định 84/2007/NĐ- CP Quy định bổ sung về việc cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện QSDĐ, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định 123/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá đất các loại.

Việc sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh văn bản pháp luật về công tác bồi thường GPMB đã khắc phục được những vấn đề tồn tại, vướng mắc của công tác này, nhưng cũng đặt ra những thử thách, khó khăn cho việc nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chính sách và thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện..

Thứ ba: Như đã trình bày ở trên, đại bộ phận cá nhân, tổ chức sử dụng đất ủng hộ và thực hiện nghiêm chính sách thu hồi đất và thực hiện các dự án đầu tư. Song bên cạnh đó, ở mỗi dự án (ở dự án nào cũng xuất hiện) có một vài người lợi dụng sơ hở trong chính sách, khó khăn của nhà đầu tư... đưa ra những yêu sách làm khó khăn trong quá trình thực hiện (có trường hợp cản trở việc thực hiện dự án).

Thứ tư: Tổ chức thực hiện công tác GPMB qui định chưa cụ thể rõ ràng, mỗi điạ phương vận dụng một cách khác nhau. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này đa số là kiêm nhiệm hoặc là cán bộ hợp đồng, quyền lợi, lợi ích gắn kết người lao động với công việc không cao, chưa tâm huyết với công việc, kinh nghiệm khả năng chuyên môn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách có liên quan của đội ngũ cán bộ không đồng đều dẫn đến hiệu quả công việc thấp.

Thứ năm: Điều kiện khó khăn về tài chính xây dựng các khu tái định cư (yêu cầu phải có trước); năng lực tài chính của nhà đầu tư , giá cả thị trường biến động... là những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bồi thường GPMB.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường GPMB ngày 25-5-2007 Chính phủ có Nghị định 84/NĐ- CP; Nghị định 123/NĐ- CP ngày 27-7-2007 (đã nêu trên) và hiện nay các Bộ, Ngành T.W đang tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn 2 Nghị định trên. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, các cấp và các đoàn thể phối hợp tuyên truyền cơ chế chính sách mới để mọi cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh - đặc biệt là vùng dự án hiểu rõ quyền lợi , nghĩa vụ và đồng thời giám sát chặt chẽ các cơ quan, đơn vị khi thực hiện công tác GPMB tại địa phương.

(Còn nữa)