Quốc hội Tiếp tục thảo luận các Báo cáo về công tác Tư pháp

07:57, 05/11/2007

Ngày 5-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, buổi sáng các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật.

Buổi chiều các đại biểu QH thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Chủ đề chính thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu QH trong phiên họp buổi sáng là xây dựng nền tư pháp vững mạnh và hiện đại. Ðại biểu Nguyễn Văn Quyền (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ: Xây dựng nền tư pháp vững mạnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đang là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp, và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Công tác này thời gian qua tuy đã đạt được những thành tựu đáng mừng, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, song so với yêu cầu vẫn phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu quyết liệt hơn nữa. Bởi đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp của nước ta hiện rất thiếu và yếu.

Ðại biểu này đề nghị: Năm 2008, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực, cũng như điều kiện cơ sở vật chất để tòa án các cấp, nhất là ở cấp sơ thẩm hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao. Việc làm này không chỉ nâng cao năng lực xét xử của tòa án cấp sơ thẩm, mà còn góp phần hạn chế việc phải xét xử ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm, cũng như tình trạng đơn thư khiếu kiện. Một việc khác cũng nên làm là loại bỏ bớt các thủ tục hành chính rườm rà trong hoạt động tư pháp.

Ðại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đặt vấn đề: Vì sao có tình trạng khiếu kiện phức tạp liên quan hoạt động tư pháp trong thời gian gần đây? Phải chăng do một bộ phận người dân và cả một số người đang thi hành công vụ chưa nắm chắc pháp luật của Nhà nước? Ðề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp phân tích làm rõ nguyên nhân để có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện của người dân liên quan hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Cũng đề cập năng lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp, đại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Tây) cho rằng, hiện có tới gần 40% số điều tra viên không có bằng cử nhân luật theo quy định. Còn đội ngũ thẩm phán, do một số năm trước, công tác tuyển dụng không theo đúng quy trình nên đã làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đội ngũ thẩm phán hiện nay.

Về một số cán bộ tư pháp có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật; việc các cơ quan thanh tra chậm chuyển hồ sơ của các đối tượng thanh tra đến các cơ quan tố tụng (trong vòng năm ngày), mà chỉ khi có kết luận thanh tra mới chuyển, dẫn đến một số trường hợp, các chứng cứ quan trọng liên quan vụ việc bị thất lạc, làm ảnh hưởng lớn đến quá trình điều tra, xét xử sau này.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) tranh tụng tại phiên tòa là việc làm không thể thiếu trong xã hội ta ngày nay, nhưng thực tế đang còn rất hạn chế. Do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là phải tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, nhất là ở cơ sở.

Ðại biểu Ðiều Ðiều (Bình Phước) cho rằng, các báo cáo nhìn chung chưa đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém, vì thế, chưa thể có được hệ thống giải pháp đủ "sức nặng" cho một vấn đề phức tạp.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Bùi Trí Dũng (An Giang) đề nghị: Ðấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, việc tìm ra các giải pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Các giải pháp này phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, có cơ sở khoa học và thể hiện ý thức trách nhiệm cao của Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Ðấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật là "cuộc chiến" vô cùng khó khăn, gian khổ, có đại biểu nhấn mạnh, việc biểu dương, khen thưởng cho những người đang thực thi nhiệm vụ này lại chưa thỏa đáng, chưa thể hiện được tính khuyến khích động viên kịp thời. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì ai dám xả thân vì công lý.

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ dự thảo các Nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 và dự toán ngân sách năm 2008. Tại các tổ có phóng viên báo Nhân Dân dự, nhận thấy, hầu hết các ý kiến phát biểu đều nhất trí với dự thảo các nghị quyết nói trên và đóng góp nhiều ý kiến bổ sung một số vấn đề cụ thể.

Nhiều đại biểu đề nghị ghi rõ trong Nghị quyết của QH chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2008 từ 9% trở lên để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Về chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng, một số ý kiến phát biểu đề nghị ghi rõ chỉ số này tăng không quá 7% so với năm 2007, để Chính phủ, các ngành chức năng và địa phương có giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá.

Về công tác xóa đói, giảm nghèo, các đại biểu đề nghị tập trung nhân lực và nguồn lực cho công tác này, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 11% năm 2008. Một số đại biểu đề nghị cần nêu rõ trong nghị quyết trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí lớn được dư luận quan tâm, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và trong đầu tư, quản lý các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài.

Từng cơ quan, đơn vị phải có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quy định cụ thể việc mua sắm thiết bị, phương tiện làm việc, chi phí tiếp khách, sử dụng xe công, điện, nước, điện thoại; tổ chức các đoàn thanh tra công vụ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Một số đại biểu đề nghị cần quy định rõ thời hạn đến năm 2008 hay 2010, các địa phương phải cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, vì hiện nay, các tranh chấp và khiếu kiện xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực đất đai. Ðề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân; sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp các quy định về thu hồi đất, đền bù, tái định cư và bảo đảm cuộc sống của người dân trong diện thu hồi đất; sớm giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương.

Các đại biểu đề nghị cần có giải pháp huy động các nguồn nhân lực đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đúng chất lượng, tiến độ các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, trọng điểm vùng; tập trung đầu tư cho phát triển ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Ðồng thời kiến nghị đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về giải quyết các vấn đề xã hội, một số ý kiến đề nghị tăng đầu tư ngân sách Nhà nước cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; có các giải pháp để chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với việc giải quyết tốt hơn các vấn đề văn hóa, xã hội.