Tăng chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa

09:52, 03/11/2007

Hôm qua, 3-11, nghị trường kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XII tiếp tục sôi nổi khi các đại biểu (ĐB) thảo luận về các báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao; viện trưởng VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo nhận định chung của các ĐB, thời gian qua, công tác của các cơ quan tư pháp đã có nhiều tiến bộ so với những năm trước, chất lượng điều tra xét xử được nâng cao, nhiều vụ án phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm, bức xúc, đã được điều tra, xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng, các cơ quan tư pháp cần sớm khắc phục những tồn tại, để đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xét xử trong tình hình mới.

Còn xem nhẹ vai trò Luật sư

Một số ĐB cho rằng, báo cáo của các cơ quan tư pháp năm nay cũng đi vào “lối mòn” như những năm trước, khi chưa nêu đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, để có thể kê toa thuốc trị dứt “bệnh”. Mặt khác, các ĐB cũng chỉ ra những tồn tại yếu kém trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, nhất là trong việc chậm đưa ra xét xử các vụ án “điểm” tham nhũng lớn, như: Vụ án trùm lừa Nguyễn Đức Chi và dự án khu nghỉ mát Rusalka (Nha Trang, Khánh Hòa); vụ PMU 18... “Chính việc chậm trễ này đã khiến dư luận nghi ngờ có sự bao che của những người có trách nhiệm” – ĐB Nguyễn Ngọc Minh (tỉnh Ninh Thuận) bức xúc.

Chất lượng xét xử, đặc biệt là công tác tranh tụng tại tòa là vấn đề được các ĐB tập trung “mổ xẻ”. ĐB Nguyễn Ngọc Minh cho rằng dù đã cố gắng, song thực tế, việc tranh tụng tại tòa chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt vai trò, ý kiến của luật sư tại các phiên tòa chưa được xem trọng, trong khi đây được xem là khâu đột phá trong tiến trình cải cách tư pháp.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, đề nghị các cơ quan tư pháp cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng xét xử, trong đó chú trọng việc tranh tụng tại tòa. “Vì quyết định tại tòa theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay, thì quyết định của tòa án phải được dựa trên kết quả tranh luận tại phiên tòa” – luật sư Trừng nói.

Lo nhất: Công tác cán bộ

Tình trạng oan sai vẫn còn cộng với việc trong năm 2007 vẫn còn tới 7 trường hợp cán bộ ngành tòa án bị xử lý trách nhiệm hình sự, 28 trường hợp bị xử lý hành chính đã khiến nhiều ĐB băn khoăn.

Việc bồi thường oan sai cho người dân vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính toán, nhất là những thiệt hại vô hình mà người oan sai phải gánh chịu. Hơn nữa, việc thương lượng giữa cơ quan tư pháp và người bị oan sai rất khó khăn. Ở một số địa phương, việc bồi thường oan sai chậm, còn để dân đi lại nhiều lần; việc xử lý trách nhiệm người xảy ra oan sai chưa được thực hiện tới nơi tới chốn, gây bất bình trong nhân dân.

Trước thực trạng trên, ĐB Lê Minh Hồng (Hà Nam) đề nghị các cơ quan tư pháp đánh giá toàn diện, rà soát công tác cán bộ, từ đó có biện pháp khắc phục triệt để những tồn tại.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cảnh báo, hiện nay, nhiều loại tội phạm nguy hiểm, tinh vi có chiều hướng gia tăng, trong khi trình độ cán bộ tư pháp còn hạn chế, chưa theo kịp so với yêu cầu. Trong công tác phòng chống tội phạm, cần lấy phòng làm chính, xét xử một người để răn đe nhiều người. Mặt khác, các cơ quan tư pháp cần nhanh chóng tăng cường đổi mới bộ máy, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu mới, đem lại lòng tin trong nhân dân.