Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên giám sát một số hoạt động của UBND tỉnh

04:00, 19/12/2007

Ngày 20-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã giám sát tại UBND tỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở địa phương và việc tổ chức, chỉ đạo công tác thi hành án của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.

Đoàn đã nghe các báo cáo về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở tỉnh Thái Nguyên năm 2007; Chương trình hành động của UBND tỉnh Thái nguyên thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thông qua việc giám sát, Đoàn công tác nắm bắt được đầy đủ về các thông tin trong việc thực hiện một số nhiệm vụ của UBND tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tổ chức các lớp phổ biến, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đối với cán bộ chủ chốt của tỉnh và trưởng, phó các ngành; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị và thành phố.

Trong năm, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình cải cách hành chính năm 2007, trong đó tập trung thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua việc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi tài chính... Song, việc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 và Luật Phòng, chống tham nhũng ở một số nơi chưa sâu, chưa tạo được ý thức tự giác. Công tác tuyên truyền phổ biến luật chủ yếu mới thực hiện trong nội bộ cơ quan...

Về việc tổ chức chỉ đạo công tác thi hành án, cơ quan Thi hành án đã trú trọng đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy trình giải quyết công việc khoa học, hợp lý, gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị.

Tuy nhiên, án tồn đọng còn nhiều, kéo dài và ngày càng gia tăng về số lượng, mặc dù cơ quan Thi hành án đã áp dụng nhiều biện pháp giải quyết nhưng chưa đem lại được kết quả cao, do: Người phải thi hành án không có tài sản và không có thu nhập để thực hiện nghĩa vụ, thậm chí nhiều người không có cả địa chỉ rõ ràng.

Cùng đó là do cơ chế thi hành án hiện nay dẫn đến việc chưa có sự gắn kết giữa các cơ quan chức năng liên quan; một số bản án, quyết định đã tuyên không rõ ràng hoặc không phù hợp với thực tế, khiến cơ quan Thi hành án không thực hiện được...