II - Những cảnh quay đầu tiên trên đất Lào

22:32, 28/12/2007

Đúng theo kế hoạch, Đoàn làm phim của Báo Thái Nguyên trong hành trình thực hiện tập 5 của bộ phim “Hành trình theo dấu liệt sỹ Vũ Xuân” đã có mặt ở quê hương đồng chí Trần Phú (Hà Tĩnh) sau gần một ngày ngồi ô tô. Tại đây, chúng tôi được các đồng nghiệp ở Báo Hà Tĩnh tiếp đón thân tình và chu đáo.

Theo lịch trình thì Đoàn làm phim sẽ qua Cửa khẩu Cầu Treo, nơi tiếp giáp giữa tỉnh Hà Tĩnh của ta và tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh với tình cảm đồng nghiệp sâu sắc đã cử đồng chí Nghiêm Sỹ Đống, Phó Tổng Biên tập và 4 phóng viên tham gia cùng đoàn làm phim.

Nghỉ ngơi một đêm ở T.P một thời máu lửa và anh hùng, sáng sớm hôm sau (29-12) chúng tôi lên đường với tinh thần sảng khoái và phấn chấn nhất. Dọc theo đường Quốc lộ 8A-con đường của tình hữu nghị Việt-Lào, con đường chiến lược của hành lang kinh tế Đông Tây, từng được Cục Đường bộ Việt Nam bình chọn là con đường đẹp nhất của đất nước hình chữ S- chúng tôi bon xe thẳng hướng tới Cửa khẩu Cầu Treo. Ngoài trời lúc này mưa phùn và gió mùa rét đậm. Trong xe, anh Ngiêm Sỹ Đống giới thiệu rất nhiều về quãng đường đoàn đang đi. Anh nói: Quốc lộ 8A dài hơn 100km, bắt nguồn từ thị xã Hồng Lĩnh, đi qua hai huyện Đức Thọ (quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam) và huyện Hương Sơn (nơi sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác). Quốc lộ 8A dài tới cửa khẩu Cầu Treo và khi sang bên nước bạn Lào nó được mang tên khác: Quốc lộ 8.

Cửa khẩu Cầu Treo (người Lào thường gọi là Keo Nưa) không lớn và sầm uất như chúng tôi hình dung như ở một số cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc. Do vậy, việc làm thủ tục xuất cảnh của đoàn rất thuận lợi. Có lẽ điều mà anh em trong đoàn ấn tượng nhất là việc đổi tiền. Tỷ giá hối đoái của 1Kip Lào bằng 1,72 đồng Việt Nam. Tức là đổi 1.720 nghìn đồng của ta sẽ được 1 triệu Kip. Ngân hàng phát triển Lào đã làm dịch vụ này ngay tại cửa khẩu. Tuy nhiên, do mệnh giá đồng Kip lớn nhất mà Ngân hàng đổi cho chúng tôi chỉ là 5.000 Kip nên mỗi người trong đoàn phải cầm cả bó tiền lớn, khó cho việc cất giữ và chi tiêu. Một điều nữa cũng khiến chúng tôi bất ngờ và thú vị là chỉ qua cửa khẩu độ nửa cây số, bầu trời mù sương và gió rét đến thấu da không còn, thay vào đó là ánh nắng trong xanh đến lạ kỳ.

Cảnh quay đầu tiên của chúng tôi trên đất nước Triệu Voi anh em là khu vực sông núi hùng vỹ của bản Na Pê. Theo anh hướng dẫn viên Bùi Xuân Quang thì đây là bản mà bộ đội biên phòng Hà Tĩnh thường sang khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào. Bản làng ở các tỉnh miền núi vùng Trung Lào thường rất nhỏ, khoảng chục hộ dân sống quây quần. Nhà cửa của họ cũng rất bé, thấp và thường là nhà sàn. Kết cấu của ngôi nhà thường bằng gỗ ván ghép, lợp mái ngói. Nhưng nét đặc biệt mà có lẽ vùng nông thôn và cả thành thị của ta nữa chưa giống được là hầu hết dưới chân nhà của họ đều có chỗ đỗ cho ô tô riêng. Người dân nông thôn Lào thường dùng ô tô bán tải, vừa có thể đi chơi, vừa là phương tiện chở hàng hóa. Ô tô ở đây 100% nhập khẩu, chủ yếu là các hãng của Nhật, Mỹ vì đất nước gần 10 triệu dân này không có công nghiệp sản xuất ô tô. Vậy nhưng, giá ô tô cực rẻ. Một chiếc xe bán tải hiệu Toyota ViGo giá khoảng 250 triệu, rẻ một nửa so với giá bán tại Việt Nam.

Khoảng giữa trưa, khi ánh nắng đã ở đỉnh đầu, chúng tôi có mặt tại thị trấn Lạc Sao, huyện lỵ của huyện Khăm Cợt, nơi người Việt Nam sang sinh sống và buôn bán rất đông. Anh Nguyễn Văn Học, một tiểu thương chuyên sang mua các loại động vật ở đây về bán cho các nhà hàng ở Hà Tĩnh kể: Hầu như các quán ăn ở thị trấn nhỏ bé này đều là người Việt Nam (quán ăn Kim Hợi, Hồng Lý, Bình Nguyên…). Họ làm ăn cũng rất khá giả và đóng góp nhiều cho địa phương.

Đoàn làm phim tiếp tục cuộc hành trình trong cái nắng gay gắt kèm những đợt gió Lào khô hanh và có mặt ở thị xã Thà Khẹc-thủ phủ của tỉnh Khăm Muộn, nơi năm 1971, người con ưu tú của mảnh đất Thái Nguyên-liệt sỹ Vũ Xuân-đã từng cùng đồng đội hành quân qua. Thà Khẹc là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với một bên có dòng Mê Kông huyền thoại chảy qua, một bên là núi đá vôi và rừng đại ngàn. Đoạn này, con sông Mê Kông ranh giới chia tách hai đất nước Lào và Thái Lan. Đứng bên này sông có thể thấy khá rõ những hoạt động của người dân Thái. Thời điểm này, sông Mê Kông đang là mùa nước cạn, nên dòng chảy thật nhẹ nhàng, hiền dịu. Người dân nơi đây cho hay, vào mùa nước lớn (khoảng tháng 7), nước sông dâng rất cao khiến việc qua lại, giao thương giữa người dân hai nước gặp khó khăn hơn. Thị xã Thà Khẹc giờ đã sầm uất hơn trước nhiều. Dịch vụ ở đây đang phát triển rất nhanh. Một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm thị xã mà chúng tôi đến rộng chừng hơn trăm mét vuông xếp đầy hàng hóa được bố trí cả hệ thống camera theo dõi trông rất hiện đại. Người dân vùng này thường đi bằng ô tô và dùng xe Túc Túc-một loại xe gắn máy-để chở hàng và làm du lịch nếu khách có nhu cầu…

Tối ở Thà Khẹc thật thơ mộng. Chỗ chúng tôi ở là Khách sạn Mê Kông do người Việt Nam làm chủ-nhìn thẳng ra dòng sông bắt nguồn từ mảnh đất huyền bí Tây Tạng (Trung Quốc). Chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm với những món ăn quen thuộc của người dân đất Việt và cùng xem bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam…

Phố trung tâm thị xã Thà Khẹc tỉnh lỵ tỉnh Khămm Muộn

Phố trung tâm thị xã Thà Khẹc, tỉnh lỵ tỉnh Khăm Muộn

Hoàng hôn trên dòng Mê Kông

Hoàng hôn trên dòng Mê Kông

(Còn nữa...)