III- Một ngày ở Ăngco

06:40, 14/12/2007

Các quan chức của Campuchia rất hài lòng về kết quả của những năm phục hồi và phát triển đất nước. Thực ra, đất nước Angco cũng chỉ rảnh rang xây dựng được 9 năm nay.

Tính từ thời điểm năm 1978, ngày 28-2 được Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng khỏi chế độ Pôn pốt diệt chủng, nhưng lại trải qua nhiều năm không ổn định.

Các bạn cũng muốn được giới thiệu về đất nước đầy ắp truyền thống và cũng đang từng ngày, từng giờ vươn lên thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu. Với chúng tôi, đây cũng là một dịp may kể cả ý nghĩa của việc làm có tính chất tri ân quá khứ là tái hiện bằng hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa với nhiệm vụ của hoạt động báo chí thời nay.

Nhận lời đi thăm và giới thiệu về Angco, bản thân chúng tôi có nhiều suy nghĩ. Giở Nhật ký của liệt sỹ Vũ Xuân, anh đề: “Ngày 23-3-1971, ngày đầu tiên đặt chân lên đất Campuchia, mảnh đất mà bất cứ người dân nào cũng tự hào về nền văn minh Ăngco rực rỡ. Với Ăngco Vat, Ăng co Thom và hàng trăm di tích một thời mà chỗ nào cũng xinh đẹp, gợi cảm”. Nhưng thời ấy, Vũ Xuân và đồng đội của anh làm gì có chút thời gian đi dạo trên vùng đất cổ kính này. Vẫn là rừng, là núi, là dòng Mê kong, dòng Se san, vậy thôi...

Từ Thủ đô Phnom Penh, đi lên Xiêm Riệp là con đường được trải nhựa hiện đại, dài hơn 320 km. Mặc dù không phải là thành phố lớn nhất Campuchia, nhưng Xiêm Riệp lại nổi tiếng với quần thể Angkor vat và Angkor Thom cổ kính, đồ sộ, một di sản văn hóa thế giới, được xây dựng hoàn toàn bằng đá. Đá xây dựng Xiêm Riệp. Từ trung tâm Xiêm Riệp chỉ mất khoảng 20 phút xe hơi du khách đã được chiêm ngưỡng Wat Preak Ăng Co Thom (tiếng Campuchia nghĩa là chùa Phật lớn). Công trình này được xây dựng vào cuối thế kỷ XII dưới thời Vua Jayavaraman VII. Ăng Co Thom có rất nhiều đền đài, quảng trường, nhưng độc đáo nhất là ngay cửa đền là tháp ông thần Bazon 4 mặt nhìn xuống. Nằm trong quần thể di tích có rất nhiều tượng và các bức phù điêu diễn tả những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo và đạo Bà la môn. Có 5 cổng dẫn vào Ăng Co Thom đó là: Cổng chiến thắng, cổng may mắn, cổng ma và 2 cổng dành cho nhân dân vào lễ phật và đạo Bà la môn. Toàn bộ điểm di tích này có 54 tháp lớn nhỏ tượng trưng cho 54 tỉnh, thành của thế kỷ XII, mỗi tháp có một tượng ông thần Bazon 4 mặt với biểu hiện của từng vẻ mặt khác nhau. Có một bức tượng nổi bật nhất bởi nụ cười Bayon nổi tiếng. Người ta giải thích rằng đó là hình ảnh tượng trưng cho sự thanh thoát, quảng đại, lại rất mực hiền từ như thấu hiểu khắp nhân gian. Có người lại cho rằng đó chính là biểu đạt của sự nhẫn nại, luôn khoan dung, độ lượng... biểu đạt giáo lý của đạo Phật. Nếu như Ăng Co Thom được kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo là tuyệt đỉnh của nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc thì đến Ăng Co Vat (tiếng Khơ me là thủ đô của những ngôi chùa) thì mới thấy hết độ hoành tráng của hoàng cung thời ấy mà thán phục trước sức lao động sáng tạo, sự hy sinh vĩ đại cho nghệ thuật của người xưa. Đây là khu đền lớn nhất của Campuchia nằm trên diện tích khoảng 200ha, được xây dựng vào đầu thế kỷ 12 dưới thời Vua Suryavarman II (1113-1150). Khu đền chính của Ăng Co Vát có 5 ngọn tháp, trong đó tháp trung tâm cao nhất 61m, có 398 căn phòng được xây dựng hoàn toàn bằng đá với những vòm, nóc và những trụ đá được kết cấu tương tự như sử dụng bằng vật liệu gỗ, đây vẫn còn là những bí ẩn về kỹ thuật xây dựng của người xưa. Trên các trụ đá là những nét điêu khắc tuyệt đẹp diễn tả truyền thuyết các vị thần linh, các thiếu nữ Chăm trong điệu múa Apsaras, những chiến binh và sinh hoạt của nhân dân... Quần thể các khu di tích thuộc Ăng Co Vát, Ăng Co Thom... đã bị “bỏ quên” qua hơn 5 thế kỷ, thời điểm chúng tôi có mặt tại đây vẫn bắt gặp cảnh cánh thợ xây đang trùng tu lại di tích. Các điểm di tích này được giao cho cá nhân quản lý, hằng năm đóng thuế cho nhà nước. Chính vì lẽ đó các công trình được quản lý rất tốt. Đi dọc tuyến đường vào các điểm tham quan, du khách đều phải trầm trồ khâm phục bởi sự sạch sẽ đến khó tin. Dọc hai bên đường là những hàng cây cổ thụ hàng trăm tuổi.

Với vẻ đẹp kỳ bí này, mỗi năm Xiêm Riệp thu hút hàng triệu khách du lịch đổ về. Theo dự kiến năm 2007, riêng Siêm Riệp đón 2 triệu du khách. Hiện trung tâm Siêm Riệp có hơn 100 khách sạn lớn, nhỏ có thể đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng đến đây. Ngoài đường bộ, nhanh nhất du khách có thể đi bằng máy bay.

Có hẳn những đội văn nghệ phục vụ du khách. Đây là hình ảnh đội văn nghệ gồm những chiến sỹ đã chiến đấu, họ là những thương binh sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc giải phóng dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng. Trong ảnh: Đoàn làm phim Báo Thái Nguyên cùng hát bài như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Ăng Co Vát-Công trình nguy nga, tráng lệ, ngàn năm soi bóng nước.

Dòng người trên khắp thế giới đến tìm hiểu
nền văn hóa Ăng Co lịch sử.

                                                  (Còn nữa)

                             (Email từ Xiêp Riệp-Camphuchia).

I- Ngày đầu hành trình

II- Một thoáng với Thủ đô Phnom Penh

IV: Nơi này nhớ mãi các anh