Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI: Nhiều vấn đề KT- XH được tập trung thảo luận

08:50, 13/12/2007

Ngày 13-12, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh đã chia tổ để thảo luận các báo cáo và tờ trình; các vấn đề cử tri quan tâm.

Như các bản tin nhanh chúng tôi đã đề cập, dưới đây Báo Thái Nguyên điện tử tổng hợp thêm một số ý kiến tập trung vào những vấn đề có nhiều đại biểu quan tâm thảo luận:

Về chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách và giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước:

Bàn về chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách- đây là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất ở các tổ thảo luận- Tất cả các ý kiến đều cho rằng: Cán bộ cơ sở làm việc rất vất vả, chủ yếu là phát huy lòng nhiệt tình, nên có chế độ phụ cấp hợp lý để động viên tinh thần làm việc; có trách nhiệm cao hơn; trong tờ trình về vấn đề này của UBND tỉnh việc phân loại các mức phụ cấp có nhiều chức danh là chưa hợp lý, cần phân loại chức danh ở các xóm, xã cho cụ thể hơn. Đồng chí Vi Văn Thư, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu Đoàn Định Hoá phân tích: “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các xóm, tổ dân phố đang hoạt động rất hiệu quả trong việc vận động, tuyền truyền nhân dân xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân; huy động đóng góp các quỹ từ thiện xã hội; thực hiện nghĩa vụ công dân. Trong đó, vai trò của Mặt trận và Chi hội Phụ nữ là hàng đầu. Vì vậy, trước mắt cần thiết phải có chính sách hỗ trợ cho 2 chức danh này. Nếu tại kỳ họp này, HĐND tỉnh chưa quyết định được thì kỳ họp đầu năm 2008 cũng nên quyết đáp sớm”. Còn đồng chí Ma Thị Nguyệt, đại biểu Đoàn Định Hoá cũng đề nghị: Đã rất nhiều kỳ họp chúng ta đề cập đến vấn đề nên có chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách xóm, tổ dân phố rồi. Cũng biết là tỉnh còn hạn hẹp về ngân sách nhưng cũng nên cân đối, xem xét lại để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ này”. Đại biểu Nguyễn Quang Anh, Đoàn T.P Thái Nguyên cho rằng: “ Chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách ở tổ dân phố thấp, chưa phù hợp; các chức danh cán bộ kiểm tra Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo phường, xã là kiêm nhiệm, nên cũng cần có chế độ phụ cấp phù hợp”. Còn đại biểu Nguyễn Kim Nghiêm (Đồng Hỷ) thì gợi ý: “ Dù ít, dù nhiều nên hỗ trợ để động viên đội ngũ cán bộ không chuyên trách này”.

Về chế độ cho giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước:

Đại Biểu Lê Duy Vị (Sở Giáo dục-Đào Tạo) cho rằng: Giữa chế độ cho giáo mầm non trong biên chế và ngoài biên chế là quá chênh lệch, thiếu sự công bằng vì các công việc là không khác nhau… Do vậy, tỉnh cần nghiên cứu có những chính sách hỗ trợ phù hợp, đảm bảo đời sống cho giáo viên mầm non. Các ý kiến của đại biểu Trương Thị Huệ và Bùi Văn Minh (huyện Đại Từ) cũng đồng tình như vậy.

Về vấn đề tuyển dụng vào biên chế Nhà nước:

Nên có chế độ chính sách xét tuyển phù hợp, không nên để những cán bộ đã có thời gian tham gia lao động hợp đồng lâu năm, có nhiều thành tích, kinh nghiệm trong công tác lại không vào được biên chế Nhà nước. Đồng chí Đặng Minh Tiến (Hội chữ Thập đỏ tỉnh) nêu: Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn đang thiếu biên chế, nhưng rất khó khăn trong khâu tuyển dụng đúng người, đúng việc, vì chính tuyển dụng hiện nay là chưa hợp lý. Có người làm hợp đồng đã 9-10 năm mà vẫn chưa được vào biên chế, mặc dù làm việc rất tốt. Đồng thời đề nghị tỉnh nên có sự vận dụng linh hoạt, mềm dẻo các chính sách, không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế, xây dựng, đầu tư mà kể cả trong lĩnh vực tuyển dụng lao động, cần giao quyền tự chủ cho các đơn vị, cơ quan trong lĩnh vực tuyển dụng biên chế, nâng cao vai trò của người lãnh đạo cơ quan. Đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Phó Giám đốc Sở tư pháp đề nghị: Nên phân cấp quản lý biên chế theo đúng tinh thần đổi mới. Sở Nội vụ chỉ nên hướng dẫn và thanh tra”.

Về giải phóng mặt bằng, cải thiện môi trường đầu tư:

Tuy không gay gắt như các vấn đề về chế độ cho cán bộ không chuyên trách và giáo viên mầm non ngoài biên chế, nhưng cũng có nhiều vấn đề cử tri quan tâm vẫn được các đại biểu đưa ra để thảo luận như: Công tác giải phóng mặt bằng, cải thiện môi trường đầu tư: Đại biểu Nguyễn Tài Hà (T.X Sông Công) cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh chậm, nhiều quyết đáp của tỉnh chưa thoả đáng, do vậy cần có sự cải cách phù hợp về chính sách, tránh tình trạng nhà đầu tư chờ đất hoặc đất chờ nhà đầu tư. Hiện nay, rất nhiều công trình việc giải phóng mặt bằng chậm, giá đền bù đất nông nghiệp cho người dân vùng quy hoạch chưa hợp lý. Đại biểu Nguyễn Minh Đức ( T.X Sông Công) nêu ý kiến: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh so với các năm trước có tăng, nhưng lại rất thấp so với các tỉnh lân cận. Do vậy tỉnh ta phải có một số giải pháp thu hút đầu tư, nhất là việc ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vốn vào làm ăn. Như thế mới tạo được sức bật trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, tỉnh cần mạnh dạn có “mặt bằng sạch” để thu hút nhà đầu tư. Trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng, đền bù đất nông nghiệp cho nông dân còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là đối với các đơn vị, doanh nghiệp, dự án xen kẽ giữa 2 năm đang rất cần có chính sách tháo gỡ. Đại biểu Hoàng Văn Hùng, (T.P Thái Nguyên) nêu ý kiến: Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp của tỉnh, cần có một quỹ đất nhất định để xây dựng nơi ăn, nghỉ cho người lao động, đồng thời tại các khu công nghiệp phải xây dựng được nhà máy xử lý rác thải, nước thải.

Về vấn đề cải cách hành chính:

Các ý kiến cũng đồng ý các cấp, ngành đã có sự triển khai tích cực, nhưng vẫn còn hạn chế. Cơ quan cấp trên cần nghiên cứu, xem ách tắc ở đâu, đồng thời các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, cũng như các cấp, ngành cần cập nhật thông tin thường xuyên, đầy đủ hơn với cán bộ cấp dưới, qua đó đánh giá sâu nguyên nhân tồn tại để rút kinh nghiệm. Đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Phó Gíam đốc Sở Tư pháp đề nghị: “Cần đánh giá lại qui trình “ một cửa” ở các cấp, các ngành. Vì quy trình “một cửa” đang thiếu cán bộ chuyên môn, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan và các cấp, ngành từ trên xuống nên công việc còn ách tắc”. Đại biểu Đinh Văn Thể (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Quy trình “Một cửa” chưa thật sự thông thoáng. Việc giải phóng mặt bằng cần có cơ chế công khai, bộ máy tổ chức hành chính rõ ràng, các bước thực hiện như thế nào người dân cũng cần được biết. Đặc biệt, cần phải công khai, minh bạch trong công tác giải toả đền bù, bồi thường tái định cư. Việc khiếu nại của nhân dân không được giải quyết kịp thời, việc trả lời của các cấp, ngành liên quan không thống nhất.

Về vấn đề thu phí và lệ phí:

Nhiều đại biểu đề nghị việc thu phí tham quan di tích lịch sử ATK là chưa cần thiết, chưa nên áp dụng thu. Về vấn đề này đại biểu Triệu Văn Hà, Vi Văn Thư và Ma Thị Nguyệt (Định Hoá) đều nhất trí chưa nên thu lệ phí ở các khu di tích lịch sử ..

Một số vấn đề khác:

Đại biểu Nguyễn Văn Trình (Quân sự tỉnh) cho rằng, trong báo cáo lĩnh vực quân sự chỉ dành có 3 dòng cho phần kết quả và 7 dòng cho phần nhiệm vụ, giải pháp là không tương xứng với nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng. Về lĩnh vực nông nghiệp-PTNT đại biểu Nguyễn Thị Thành ( Phổ Yên) đã nêu lên những bất cập hiện nay đang tồn tại ở cơ sở và đề xuất: Ngành Nông nghiệp cần thay thế bộ giống lúa cũ bằng bộ giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao và chống chịu sâu bệnh tốt. Hiện nay, giống lúa Khang dân đang có sự thoái hoá, chống chịu sâu bệnh kém, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lương thực. Bên cạnh đó, các thủ tục về trồng rừng và trợ giá trồng chè còn quá rườm rà ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện ở cơ sở… Trong lĩnh vực đất đai, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cần nghiên cứu và làm như thế nào đó để nhận thức của nhân dân không bị xáo trộn, tạo được sự công bằng trong xã hội, không để người dân tích cực, gương mẫu phải chịu thiệt thòi...
Đại biểu Nguyễn Văn Vượng (Phổ Yên) với cương vị là Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có ý kiến: Năm 2007, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết qủa thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-văn hoá-xã hội. Đó là nhờ có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ngành.Tỉnh ta đã biết sử dụng cả sức mạnh nội lực và ngoại lực, tranh thủ được sự quan tâm của các cấp bộ ngành; thông qua nhiều hoạt động lớn trong năm Du lịch, tỉnh ta đã được nhiều nơi biết đến và ủng hộ, góp phần tạo nên những thành công… Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại như: Các mặt hàng truyền thống chưa phát triển; tăng trưởng nhưng chưa bền vững; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến nhưng chưa đồng bộ. Còn 2 vấn đề về chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non và các chức danh ở xã, xóm tuy cấp thật sự thoả đáng, chưa đáp ứng được nguyện vọng. Dù sao những thành tích mà tỉnh đã làm được là sự cố gắng rất lớn, vì nguồn ngân sách của tỉnh còn eo hẹp, thu chưa đủ chi.…..

(Tiếp tục cập nhật)