Sắp công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

01:50, 07/12/2007

Bộ Y tế đang đề nghị Chính phủ cho công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, dự kiến vào ngày 10/12.

Ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết sau hơn 4 tuần triển khai đồng bộ các biện pháp dập dịch quyết liệt, dịch tiêu chảy cấp đã nhanh chóng được khống chế trên phạm vi toàn quốc. Trong hơn hai tuần qua, cả nước không ghi nhận thêm trường hợp tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả nào.

Trường hợp đầu tiên mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm được phát hiện ngày 23/10/2007 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngay sau đó hàng chục ổ dịch đồng loạt xuất hiện tại tất cả các quận, huyện của Thủ đô, với số người mắc tiêu chảy cấp tăng lên hàng ngày, có ngày lên tới 150-200 trường hợp.

Tiếp đó dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố phía Bắc (trong đó có tỉnh Thái Nguyên), với tổng số bệnh nhân bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm là trên 1.900 ca, trong đó có 295 ca dương tính với phẩy khuẩn tả.

Ông Triệu cho biết, qua cuộc chiến phòng chống dịch tiêu chảy cấp và các dịch bệnh nói chung, ngành y tế đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm.

Bài học đầu tiên là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp lãnh đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch, tạo ra cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bài học thứ hai là Việt Nam có hệ thống y tế dự phòng phát triển rộng khắp từ trung ương đến địa phương, tổ chức giám sát chặt chẽ và xử lý dịch kịp thời.

Bài học thứ ba là Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã tạo nên một cơ chế hoạt động vận hành nhịp nhàng, nhanh chóng ban hành các chính sách hợp lý như miễn viện phí cho bệnh nhân, giám sát nước sinh hoạt an toàn, tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hai bài học còn lại là triển khai kịp thời và mạnh mẽ công tác truyền thông, đồng thời có sự hợp tác quốc tế kịp thời và minh bạch trong thông tin. Ngay sau khi xảy ra dịch, Bộ Y tế đã thông báo cụ thể tình hình diễn biến dịch với Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), chủ động trao đổi và hợp tác với quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh.