Thái Nguyên: Năm 2008, phấn đấu tăng trưởng GDP trên 12,5%

04:51, 04/12/2007

Trong ngày làm việc thứ hai, hôm nay (5-12), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nghe và cho ý kiến vào 3 báo cáo quan trọng...

Đó là: Kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2007; kế hoạch tổ chức lễ tổng kết năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007; đánh giá một năm thực hiện Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010.

Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp ước đạt 4,54%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 7,26%, trong đó trồng trọt tăng 4,1%, lâm nghiệp tăng 2,2%, thuỷ sản tăng 2,54%, chăn nuôi tăng cao nhất 19,7%. Trên đất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Năng suất cây trồng đều tăng. Về chăn nuôi, qua điều tra toàn tỉnh tính đến ngày 1-8 năm nay sản lượng thịt hơi các loại đạt 51.907 tấn. So với năm 2006, đàn lợn tăng 2,12%, đàn bò tăng 0,79%, đàn gia cầm tăng 2,32%. Nuôi trồng thuỷ sản được chú ý đầu tư theo quy hoạch, nhằm khai thác tiềm năng mặt nước, kết hợp nuôi trồng tăng thu nhập cho người dân. Diện tích đất lâm nghiệp sau rà soát, quy hoạch là 179.883, 78ha. Sản lượng gỗ khai thác năm 2007 ước đạt 28,9 nghìn m3, tăng 0,75% so với năm 2006, chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu giấy và làm ván ép.

Về kế hoạch tổ chức Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007 và bàn giao cờ Năm du lịch Quốc gia dự kiến tổ chức vào ngày 26-12. Về kết quả một năm thực hiện Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010, dự kiến năm 2007 giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 532,3 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 40%/năm. Tạo việc làm mới cho 6.200 lao động, đưa tổng số lao động tiểu thủ công nghiệp, làng nghề khu vực nông thôn lên 33.700 lao động có việc làm...

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đều cơ bản thống nhất với đánh giá của các báo cáo. Về lĩnh vực nông nghiệp, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Về nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện trên cơ sở quy hoạch, tận dụng diện tích mặt nước, nâng cao thu nhập. Quan tâm đặc biệt tới xây dựng các cơ sở chế biến nông sản.

Về tổ chức tổng kết Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007 các ý kiến đều cho rằng phải chuẩn bị chu đáo, đánh giá những mặt được, thiếu xót, động viên khen thưởng những đơn vị có đóng góp hiệu quả cho năm du lịch.

Đối với Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, một số ý kiến cho rằng, tăng trưởng trong tiểu thủ công nghiệp chưa cao, các sản phẩm đơn điệu, kém sức cạnh tranh. Vốn đầu tư cho sản xuất nhỏ bé, thiếu chuyên gia kỹ thuật và nghệ nhân giỏi, thu nhập của người lao động chưa cao.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận xét: Với sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, các mục tiêu kinh tế-xã hội của năm 2007 hoàn thành tốt, đặc biệt tổ chức thành công chương trình Năm du lịch Quốc gia, triển khai tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tuy vậy vẫn còn 4 hạn chế đó là: Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng lực cạnh tranh yếu; xây dựng cơ bản về giải ngân, tiến độ thực hiện các công trình dự án lớn chậm, giải phóng mặt bằng có nhiều ách tắc; cải cách hành chính chưa đồng bộ; tệ nạn ma tuý chưa giảm, HIV/AIDS có chiều hướng tăng nhanh.

Về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, mức tăng trưởng GDP đề ra trên 12,5%, nhưng phấn đấu đạt 13%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp 40%, dịch vụ 37%, nông lâm nghiệp 23%.

Về giải pháp chú trọng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Chọn năm 2008 là năm cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Nhất trí với tờ trình hỗ trợ giáo viên mầm non hợp đồng ngoài biên chế và phụ cấp cho 13 chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã, bổ sung thêm chức danh trưởng ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn trên cơ sở cân đối ngân sách.

Về Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề cần quan tâm đến quy hoạch phát triển làng nghề ở khu vực nông thôn, gắn vùng nguyên liệu, đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường. Đánh giá toàn diện các làng nghề để xây dựng chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển các làng nghề, từ đó bám sát Đề án thực hiện có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn.