Trở lại nơi 61 TNXP hy sinh trong đêm noel 24-12-1972

08:17, 23/12/2007

Trong 12 ngày, đêm cuối tháng 12-1972, bên cạnh chiến công bắn rơi 2 chiếc “Siêu pháo đài bay” B52, quân và dân Thái Nguyên còn giành được nhiều thành tích to lớn trên mặt trận giao thông, vận tải, tiếp nhận và trung chuyển lương thực, hàng hoá chi viện cho chiến trường.

Ngay từ đêm 18-12, khi máy bay chiến lược B52 của giặc Mỹ ném bom rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng thì tại hai chân hàng ga Lưu Xá và ga Quan Triều, các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân, tự vệ và giao thông vận tải Thái Nguyên vẫn bình tĩnh, dũng cảm giải toả lương thực, hàng hoá. Đêm 20, rạng ngày 21-12, máy bay B52 ném bom rải thảm xuống khu vực Bắc T.P Thái Nguyên, việc giải toả lương thực, hàng hoá ở hai chân hàng ga Lưu Xá và ga Quán Triều trở nên hết sức cấp bách. Sáng 23-12, Phó Thủ tướng Chính Phủ Đỗ Mười, Trưởng ban Đảm bảo giao thông vận tải Trung ương chỉ thị cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh phải “tổ chức ca, kíp, tập trung lực lượng, phương tiện để giải toả hàng hoá ở các kho, chân hàng nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của địch”.

Chấp hành Chỉ thị của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay chiều 23-12, tại hầm địa đạo đồi Kô Kê, đồng chí Lê Quảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Đảm bảo giao thông vận tải tỉnh đã họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành quân sự, công an, giao thông vận tải và đội 91 TNXP bàn biện pháp giải toả lương thực, hàng hoá ở chân hàng nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của địch. Sau khi nghe lãnh đạo các ngành phát biểu, thay mặt Uỷ ban Hành chính tỉnh, đồng chí Lê Quảng quyết định: Tập trung lực lượng thanh niên xung phong và dân quân, tự vệ khu vực T.P Thái Nguyên và toàn bộ phương tiện vận tải của Công ty giao thông vào việc giải toả 19.923 tấn lương thực, hàng hoá đang tồn động ở hai chân hàng ga Lưu xá và ga Quan Triều.

Thực hiện quyết định của Uỷ ban Hành chính tỉnh, 21 giờ ngày 23-12, Ban chỉ huy Đội 91 TNXP điều 40 cán bộ, đội viên Đại đội 912 xuống ở trường Đại học Cơ điện để 7 giờ sáng ngày 24-12 bắt đầu làm nhiệm vụ giải toả lương thực và hàng hoá. Tiếp đó, sáng 24-12, đồng chí Nghiêm Xuân Đạo (Đội trưởng đội 91 TNXP) điều 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 xuống ga Lưu Xá làm nhiệm vụ giải toả hàng hoá. Đến khoảng 20 giờ, khi đội viên Đại đội 915 chưa kịp ăn cơm thì máy bay B52 của địch đã đến ném bom rải thảm xuống trúng khu vực hầm trú ẩn làm tất cả cán bộ, chiến sỹ Đại đội 915 và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá bị thương, vong. Đã có 61 người vĩnh viễn nằm lại tại đây.

Đó là một tổn thất nặng nề của Thái Nguyên trên mặt trận tiếp nhận và trung chuyển lương thực, hàng hoá, đảm bảo giao thông vận tải. Tổn thật này đã nói lên sự đóng góp, hy sinh của quân và dân Thái Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngay sau đó, một phong trào lao động, sản xuất và đánh thắng B52 của đế quốc Mỹ để trả thù cho TNXP đã được Tỉnh, Quân khu phát động. Và chỉ trong vòng 12 ngày đêm đó, quân, dân Thái Nguyên đã giải toả được gần 20 nghìn tấn lương thực ra khỏi các trọng điểm đánh phá bằng máy bay của đế quốc Mỹ để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chiến công và sự hy sinh to lớn là thế nhưng phải đến hôm nay - vào đúng dịp kỷ niệm “35 năm chiến thắng Điện Biên phủ trên không”, cũng là 35 năm sau ngày hy sinh của 61 TNXP ở Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) thì địa điểm nơi 61 TNXP hy sinh mới hoàn chỉnh thủ tục để được công nhận là địa điểm di tích lịch sử cấp tỉnh. Có thể, sự ghi dấu này chưa thực sự xứng đáng với những gì mà các chàng trai, cô gái TNXP đã hy sinh nhưng dẫu sao cũng có thể xem đây là sự ghi nhận bước đầu của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh to lớn mà các anh, các chị để lại.

Đồng chí Vũ Thị Liên Minh, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin và Thể thao T.P Thái Nguyên cho chúng tôi biết thêm: Từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh”, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thái Nguyên đã có công văn trả lời chính thức về việc đồng ý cấp 300 triệu đồng để tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa khu di tích Bia tưởng niệm các liệt sỹ TNXP thuộc phường Gia Sàng. Công trình này có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn T.P Thái Nguyên.