Ý kiến, kiến nghị của cử tri và sự chỉ đạo, giải quyết của UBND tỉnh

10:48, 04/12/2007

Những ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8; các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 8 và những ý kiến, kiến nghị qua các báo cáo thẩm tra, giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 8 và 9 HĐND tỉnh khóa 11 đã đã được UBND tỉnh chỉ đạo và giải quyết như thế nào? Báo Thái Nguyên điện tử sẽ chuyển tải kết quả xem xét giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh tới cử tri.

Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá XI UBND tỉnh nhận được nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND cũng như các ban của HĐND. Nội dung các ý kiến, kiến nghị khá toàn diện, gồm nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp và nông thôn, tài nguyên và môi trường, đầu tư xây dựng giao thông, giáo dục và đào tạo, y tế, chế độ chính sách và an ninh trật tự...

Từ những ý kiến và kiến nghị, đối chiếu các quy định hiện hành của Nhà nước và của địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể của tỉnh và các yếu tố có liên quan, UBND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu xem xét để từng bước giải quyết, có kế hoạch và giải pháp giải quyết, thực hiện.

1. Về lĩnh vực Nông lâm nghiệp và nông thôn, trước tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường tỉnh và ngành nông nghiệp PTNT đã có những giải pháp gì?

Về việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng, ngành Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y và các địa phương trong tỉnh có dịp kịp thời thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống và dập dịch, không để dịch bệnh lan rộng. Hiện tại có 7 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm ngăn ngừa, hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm, như sau:

Một là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về diễn biến phức tạp và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm hiện nay để chủ động, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.

Hai là tăng cường vận động, hướng dẫn biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi; đồng thời, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, bao vây, xử lý gọn ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra.

Ba là đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin, nhất là đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn và bệnh dại ở động vật. Đây là giải pháp rất quan trọng, trong công tác phòng dịch cần phải quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Bốn là tăng cường quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Trong thời gian tới phải thành lập Trạm kiểm dịch động vật nội địa, xây dựng khu nuôi cách ly kiểm dịch.

Năm là về công tác chăn nuôi; giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Để ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, UBND chỉ đạo xây dựng dự án tổng thể phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng các điểm giết mổ, lò mổ. Về lâu dài phấn đấu giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, phát triển chăn nuôi tập trung an toàn, sản xuất hàng hoá chất lượng cao.

Sáu là nâng cao năng lực chuyên ngành thú y từ cấp tỉnh đến tận cơ sở. Cụ thể: Bổ sung, biên chế, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hiện có; thành lập hệ thống mạng lưới thú y cấp phường xã; tăng cường năng lực chuẩn đoán xét nghiệm; trang bị vật tư, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng củng cố cơ sở làm việc.

Bảy là tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ công tác thú y; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và đề nghị nhân dân theo dõi, giám sát và phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng nếu phát hiện các biểu hiện của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

2. Việc đầu tư các công trình thuỷ lợi và giải quyết dứt điểm vốn đầu tư xây dựng kiên cố hoá kênh mương trong những năm qua?

Đây là vấn đề nhiều cử tri quan tâm và cũng là những ý kiến kiến nghị đúng với tình hình hiện nay. Về vấn đề này UBND tỉnh tóm tắt hoạt động lĩnh vực này trong những năm qua như sau: Về đầu tư công trình thuỷ lợi. Trong giai đoạn từ 2005-2010, Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho 8 công trình thuỷ lợi trong tỉnh, với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng. Đầu tư bằng nguồn vốn ADB cho hệ thống công trình thuỷ lợi Nam Thái Nguyên, giai đoạn 2006-2008 là 45,4 tỷ đồng. Đầu tư bằng vốn JBIC và vốn Ngân sách trong 3 năm qua 36 tỷ đồng. Đầu tư vốn Ngân sách và vốn chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm hàng chục tỷ đồng cho các công trình nhỏ lẻ các địa phương. Đầu tư các công trình đê phòng chống lụt bão hàng năm hàng chục tỷ đồng.

Về giải quyết vốn nợ kiên cố hoá kênh mương nội đồng: Về kiên cố hoá kênh mương nội đồng từ năm 2006 các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mình chủ động quyết định số vốn hỗ trợ theo kế hoạch thu, chi hàng năm và quyết định tỷ lệ hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước nhưng không vượt quá tỷ lệ quy định của tỉnh. Trong đó, tập trung trả nợ các công trình đã hoàn thành mà vốn hỗ trợ của Ngân sách còn thiếu; ưu tiên dành một tỷ lệ thích hợp cho công tác bảo trì các công trình; đặc biệt bảo trì đường giao thông nông thôn và hệ thống kiênh mương nội đồng.