Cấm để quản lý tốt hơn

08:18, 03/01/2008

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng có đề cập tới việc tỉnh Thái Nguyên chưa bãi bỏ lệnh cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương và tỉnh Thái Nguyên chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Thực tế, từ khi tỉnh Thái Nguyên có Quyết định “cấm vận chuyển quặng sắt và các loại khoáng sản khai thác trái phép ra ngoài tỉnh” (23-8-2006), đến nay tình trạng lộn xộn trong khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn đã giảm rõ rệt. Tình trạng tranh mua, tranh bán, tiêu cực tại các vùng quặng, nhất là khu vực Mỏ sắt Trại Cau từng được xem là khó kiểm soát nay đã cơ bản bị khống chế. Quan điểm của tỉnh Thái Nguyên về việc cấm vận chuyển khoáng sản ra ngoài tỉnh không phải gây khó cho doanh nghiệp mà chính là để ủng hộ doanh nghiệp sản xuất sắt thép và các loại vật liệu có nguồn gốc khoáng sản trên địa bàn; để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép với mục tiêu không phải để sản xuất mà bán quặng thô ra nước ngoài trái phép kéo dài nhiều năm qua; phù hợp và chấp hành ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi tiếp xúc cử tri tại Thái Nguyên nhấn mạnh việc quản lý từ khai thác đến chế biến chặt chẽ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ngay trên từng địa bàn. Việc từ cuối năm 2004, Công ty Gang thép Thái Nguyên ký hợp đồng với một số doanh nghiệp vào cải tạo bãi thải và mua đất thải tại các mỏ để tận thu khoáng sản với thời gian kéo dài tới 30 năm đã vô tình là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lộn xộn như chúng ta thấy. Đặc biệt, mấy năm gần đây do biến động về giá nguyên liệu của thị trường thế giới và chính sách tăng cường thu mua khoáng sản qua biên giới phía Bắc đã tạo nên nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản một cách tự do. Nếu căn cứ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng Sản (có hiệu lực từ 1-10-2005) thì các hoạt động tuyển đãi đất thải để thu quặng sắt trong các bãi thải của mỏ sắt Trại Cau là không đúng quy định. Điều 49, mục 3, Luật khoáng sản có chỉ rõ “Khai thác tận thu được thực hiện đối với khoáng sản ở mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ”. Như vậy, Mỏ sắt Trại Cau chưa có Quyết định đóng cửa mỏ thì việc các đơn vị vào tận thu tại đây là trái với Luật khoáng sản. Tỉnh ra quyết định cấm là hoàn toàn chuẩn xác và dựa trên cơ sở pháp luật. Do vậy, nếu cho rằng hạn chế nhà đầu tư là không chuẩn xác.

Ý nghĩa sâu xa của vấn đề là ở chỗ, cấm để quản lý tốt hơn, cấm để giúp các doanh nghiệp có năng lực thực sự đường đường, chính chính hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản chứ không phải cấm để tạo điều kiện làm lợi cho một cá nhân hay tổ chức nào. Vừa qua, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã chính thức khởi động đầu tư giai đoạn 2 với các dự án mở rộng sản xuất. Điều đó cho thấy, thời gian tới đơn vị này sẽ cần rất nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất là quặng sắt. Cùng với đó, tại kỳ họp mới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XI đã thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt tới năm 2015. Qua đó, sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác cung cấp nguyên liệu cho Công ty Gang thép Thái Nguyên. Hiện nay, tình trạng khai thác, vận chuyển quặng sắt vẫn chưa thực sự lắng hẳn. Mới đây nhất, vẫn còn một số trường hợp tập kết, vận chuyển trái phép quặng sắt bị lực lượng chức năng của tỉnh xử lý tại Đồng Hỷ và Phổ Yên. Do đó, tỉnh vẫn thực hiện việc nghiêm cấm vận chuyển quặng sắt ra ngoài tỉnh.

Từng có câu bông đùa, nhưng nghe ra cũng cay nghiệt: “Sống trên đất quặng vẫn nghèo”. Chính sự lộn xộn, tranh mua, tranh bán, mạnh ai nấy làm trong hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản thời gian qua đã khiến nguồn tài nguyên quý giá này của Thái Nguyên bị thất thoát. Những nỗ lực và sự mạnh tay cần thiết của tỉnh Thái Nguyên chính là góp phần không nhỏ giúp địa phương có quặng không còn trăn trở nỗi lo nghèo đói. Mặt khác, là giúp Nhà nước quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản không phải chỉ có đời chúng ta thụ hưởng. Nếu không quản lý chặt chẽ, nạn chảy máu tài nguyên, nạn đầu cơ cho một nhóm người; phát sinh tệ nạn xã hội, nạn huỷ hoại môi trường sẽ còn kéo dài mà lợi ích đất nước là thiệt thòi nhất.