Cảnh báo nguy cơ bùng phát cúm A(H5N1) trong dịp Tết Nguyên đán

11:01, 23/01/2008

* Các ca nhiễm cúm A(H5N1) tại Sơn La do ăn thịt gia cầm chết Chiều 23/1, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam chính thức xác nhận trường hợp bệnh nhân Trần Văn Đông, 32 tuổi, dân tộc Cao Lan ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tử vong do nhiễm cúm A(H5N1) sau khi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Đây là bệnh nhân thứ hai nhiễm cúm A(H5N1) tại nước ta từ đầu năm 2008 đến nay. Trước đó, bệnh nhi 4 tuổi ở xã Chiềng Khoa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã tử vong tại bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định nhiễm cúm A(H5N1).

Được biết, bệnh nhân Trần Văn Đông phát bệnh ngày 16/1, sau đó chuyển đến Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia trong tình trạng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng với các diễn tiến lâm sàng điển hình cúm A(H5N1), đã tử vong do bệnh quá nặng. Trước đó, bệnh nhân đã ăn thịt gia cầm bị chết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, hai ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1) đều liên quan đến gia cầm bị chết. Vào thời điểm này, trời lạnh kéo dài, kèm theo mưa nhỏ là môi trường thuận lợi cho cúm A(H5N1) ở gia cầm phát triển và lưu hành nhanh. Diễn biến dịch ở các nước trong khu vực hết sức phức tạp, có dấu hiệu biến chủng tại Ấn Độ, Inđônêxia. Trong dịp Tết Nguyên đán, việc tiêu thụ gia cầm rất mạnh, trong khi đó nguồn gia cầm trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang lưu thông nhiều trên thị trường. Điều đó cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát rất cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Y tế đã thành lập 69 đội cơ động phòng, chống dịch ở 64 tỉnh, thành, yêu cầu các địa phương xử lý sớm các trường hợp sốt liên quan đến cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất số người mắc và tử vong. Riêng tỉnh Sơn La, Bộ Y tế đã hỗ trợ 490 kg bột Chloramine B, 370.000 viên sát khuẩn và 2.000 viên Tamiflu và một số vật tư phòng hộ khác để tỉnh phòng chống dịch cúm A(H5N1) ở người. Tại tỉnh Tuyên Quang, nơi vừa xuất hiện bệnh nhân dương tính với cúm A(H5N1), Bộ Y tế cùng trung tâm y tế dự phòng địa phương đã khoanh vùng, xử lý môi trường, lấy mẫu bệnh phẩm của những người liên quan đến gia cầm nhiễm bệnh cùng bệnh nhân đã tử vong để xét nghiệm, nhưng chưa phát hiện thêm người nhiễm mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xuất hiện đại dịch cúm trên toàn cầu nếu virut cúm A/H5N1 đột biến, tái tổ hợp thành chủng virut mới lây lan nhanh từ người sang người. Trong khi đó, trường hợp bệnh nhi tử vong do cúm A(H5N1) ở Sơn La và Tuyên Quang cho thấy, việc giám sát dịch trên gia cầm giữa thú y và y tế chưa chặt chẽ.

Như vậy, tính từ trường hợp mắc cúm A (H5N1) đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 26/12/2003, đến nay đã ghi nhận 102 trường hợp mắc tại 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 48 trường hợp tử vong. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn thịt và gia cầm bị chết, cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn... Khi phát hiện thấy gia cầm bị chết hàng loạt cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất; khi thấy người sốt cao và có các dấu hiệu điển hình của bệnh cúm A(H1N1) và tiêu chảy liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.