Ngày càng nhiều kiều bào về quê ăn Tết

13:58, 17/01/2008

 Ngày 17/1, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cho biết sẽ có khoảng 160.000 kiều bào về quê trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý, tăng 20% so với năm trước.

Trong buổi gặp mặt báo chí tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Quyền Chủ nhiệm Ủy ban cũng cho biết thêm, như thường niên, Ủy ban sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Tết cho kiều bào vào ngày 31/1 (ngày 24 tháng Chạp Âm lịch). Khoảng 1.000 kiều bào sẽ tham dự lễ gặp mặt thân mật này.

Tại đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ gặp gỡ và chúc Tết bà con kiều bào; các nghệ sĩ trong nước và kiều bào biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Kiều bào cũng sẽ được nghe thông tin về tình hình phát triển trong nước trong một năm qua, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong năm qua trên các lĩnh vực đầu tư, kiều hối, và hỗ trợ nhân đạo.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, năm 2007 có khoảng 500.000 lượt Việt kiều về thăm quê, số tiền ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong nước lên tới 4,7 tỷ đồng. Lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 5,6 tỷ USD, trong đó 70% là do các doandh nghiệp kiều bào đầu tư về trong nước, tăng gần 1 tỷ USD so với năm ngoái. Về đầu tư, hiện có khoảng 3.000 dự án của cộng đồng này được cấp phép tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 2 tỷ USD.

Về những trọng tâm công tác Việt kiều năm 2008, ông Sơn cho biết, ngoài những biện pháp tăng cường tạo thuận lợi cho kiều bào làm ăn sinh sống ổn định tại nước sở tại và hướng về quê hương đất nước, Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho kiều bào, coi đây như một chiến lược văn hóa cho người Việt Nam ở nước ngoài.

“Năm 2008, Ủy ban sẽ đẩy mạnh hơn các biện pháp hỗ trợ để các chương trình dạy tiếng Việt được thực hiện sâu rộng trong cộng đồng người Việt ở tất cả 94 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là cho thế hệ thứ 3”, ông Sơn khẳng định.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt như cử giáo viên trong nước sang một số nước giảng dạy, chẳng hạn như Campuchia, áp dụng chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam biên soạn.

Đặc biệt, tại Ôxtrâylia, tiếng Việt còn đưa vào giảng dạy như một ngoại ngữ chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông./.