Còn thiếu hàng ngàn thanh tra viên lao động

10:58, 18/02/2008

Ông Vũ Như Văn, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng việc thiếu hụt lực lượng thanh tra hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn lao động xảy ra hàng năm.

- Liên quan đến lĩnh vực an toàn lao động, hiện nay chúng ta đang có chế tài như thế nào và ông đánh giá chế tài này ra sao?

Chúng ta có Nghị định 113 xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực lao động. Tôi đánh giá mức phạt còn nhẹ vì thấp nhất có 200 ngàn đồng, cao nhất là 20 triệu đồng. Dù là mức cao nhất đem áp dụng với một doanh nghiệp thì thực sự còn quá nhỏ. Như vậy rõ ràng không ổn, nghị định này cần được điều chỉnh lại theo hướng người đứng đầu doanh nghiệp nếu để xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) thì phải chịu trách nhiệm và không được dùng tiền công để bồi thường hay nộp phạt.

Trong nghị định về thanh tra có một điều mà ít người quan tâm, đó là điều 32, quy định: định kỳ chánh thanh tra (từ Trung ương đến địa phương) phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm này ở các doanh nghiệp. Nếu như thực hiện được điều này thì dù chỉ phải nộp 200 ngàn đồng thôi, nhưng bị công bố thì doanh nghiệp đó đã bị mất uy tín, họ mới sợ.

- Thưa ông, tại sao lại có chuyện “ít quan tâm” nếu đã là luật? Phải chăng có sự nể nang doanh nghiệp?

Cái này là trách nhiệm của các chánh thanh tra.

- Được biết khi các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) về khai thác đá liên tục xảy ra hồi cuối năm ngoái, Bộ LĐ,TB&XH đã có công điện về vấn đề an toàn trong khai thác gửi đến 50 tỉnh, thành. Vậy, đến thời điểm này bao nhiêu tỉnh đã có hồi âm?

Có 9 UBND các tỉnh đã gửi công văn về Bộ LĐ,TB&XH báo cáo đã chỉ đạo triển khai, thực hiện chuyện này. Kết quả như thế nào thì chúng ta phải đợi thời gian trả lời, chứ không phải cứ có văn bản xong là hết tai nạn.

- Còn tình hình xây dựng chương trình hành động quốc gia về bảo hộ lao động đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

Cuối tháng 12/2007 còn 11 tỉnh, những tỉnh này chắc chắn sẽ phải làm vì Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đã nói, không làm sẽ không được cấp ngân sách xuống mặc dù vẫn phải thực hiện công tác bảo hộ an toàn lao động. Anh phải tự bỏ kinh phí của tỉnh mình ra.

- Năm nào chúng ta cũng triển khai tháng an toàn lao động, nhưng có vẻ như chỉ rầm rộ được trong khoảng thời gian ấy mà thôi, còn sau hoặc trước đó, tai nạn vẫn xảy ra?

Thực ra chỉ được một tuần chứ không phải một tháng. Việc phát động tuần lễ an toàn lao động là để người lao động cả nước nắm được tinh thần chung của khoảng thời gian cao điểm. Còn trước hoặc sau khoảng thời gian này vẫn phải tập trung tuyên truyền, còn nếu không là không ổn, chỉ là hình thức.

- Về mặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có gì chưa thích ứng kịp với thực tiễn không khi năm nào cũng xảy ra tai nạn, có thống kê, rồi lại để năm sau xảy ra?

Về mặt quản lý nhà nước đã làm rất quyết liệt, có nhiều loại văn bản quy chuẩn. Nhưng đưa những quy chuẩn này xuống dưới địa phương thì có vấn đề, nói thẳng ra là chỉ mới đến được cấp lãnh đạo các bộ phận, còn xuống đến người lao động thì rõ là thiếu.

Muốn xem cơ sở, doanh nghiệp có thực hiện tốt quy chuẩn không thì lại phải có lực lượng thanh tra như tôi nói ở trên. Từng bộ chuyên ngành phải có người để kiểm tra trong lĩnh vực an toàn lao động, ví dụ như Bộ Công nghiệp hiện nay có hẳn một cục kiểm tra về an toàn công nghiệp, nhưng Bộ GTVT chẳng có cục kiểm tra nào chỗ ấy cả; Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng…cũng không có. Hoặc chỉ có 1, 2 cán bộ làm thì không thể kiểm tra đầy đủ được, bất cập nằm chỗ ý.

Ngay như Bộ LĐ,TB&XH, trên này có Cục An toàn lao động nhưng ở dưới các sở thì hầu như không có chân rết, chúng tôi lại phải dựa vào thanh tra của các sở để triển khai thực hiện công việc.

- Tóm lại là nhìn thấy, nhưng…

Cái đó gọi là “Lực bất tòng tâm” đấy. Về an toàn lao động không thể nói một cơ quan là làm được, đó là điều không tưởng. Phải có sự chung tay của toàn xã hội, của các doanh nghiệp… Chúng tôi đang đề nghị Bộ Nội vụ và Chính phủ tăng cường thêm lực lượng thanh tra.

Theo quy định quốc tế cứ 40 ngàn lao động thì phải có 1 thanh tra viên lao động; tỉ lệ này hiện nay của chúng ta là 330 thanh tra lao động/56 triệu lao động, mà đấy là tôi cứ cho cả 330 thanh tra này đều làm được việc hết. Chúng ta còn thiếu từ 1.000-1.200 thanh tra viên lao động.