Gà tiêm vaxin H5N1 vẫn chết hàng loạt

10:32, 04/02/2008

Cuối tháng 1/2008 một sự việc xảy ra đã làm đau đầu các nhà khoa học: 1.200/4.165 con gà đã được tiêm phòng vắc xin H5N1(của Trung Quốc) tại Trại gà Thịnh Đán (Thái Nguyên) bỗng lăn ra chết hàng loạt. Phải chăng vắc xin H5N1 (của Trung Quốc) đã không có hiệu nghiệm?

Cơ sở đã mang ngay 02 mẫu gà chết và 14 mẫu huyết thanh của những con gà còn sống sót đến Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương, Hà Nội để làm xét nghiệm, tìm nguyên nhân.

Kết quả xét nghiệm cho thấy: 02 mẫu gà chết đều phát hiện có virut H5N1, nhưng 14 mẫu huyết thanh lại cho thấy đàn gà có kháng thể bảo hộ khá cao (6-7 log2 , GMT tới 6,9 log2). Bình thường chỉ cần chỉ số GMT lớn hơn hoặc bằng 4 log2 là đã bảo hộ được gà. Có nghĩa là sau khi tiêm, đáng ra đàn gà phải được bảo vệ tốt mới đúng, tại sao lại lăn ra chết hàng loạt vì virut H5N1 ? Hay là do virut đã biến đổi gen thành một loại khác, chống lại được sự miễn dịch của vắc xin ?

Để trả lời câu hỏi này Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương đã sử dụng huyễn dịch bệnh phẩm 20% (lấy từ gà chết của Trại Thịnh Đán-Thái Nguyên) công cường độc cho gà đã được tiên vắc xin H5N1(của Trung Quốc) 35 ngày. Kết quả cho thấy gà được tiêm vắc xin H5N1(của Trung Quốc) đều khoẻ mạnh, còn lô gà đối chứng( không tiêm vắc xin) đều bị chết. Điều đó chứng tỏ chủng virut H5N1 lấy từ gà chết của Thái Nguyên rất độc(đã làm chết 100% gà đối chứng). Mặt khác, vắc xin H5N1 của Trung Quốc là tốt, đã bảo vệ được đàn gà chống lại chủng virut này (không có gà thí nghiệm nào bị chết).

Vậy thì tại sao vắc xin H5N1(của Trung Quốc) lại không bảo vệ được đàn gà của trại Thịnh Đán ? để dẫn tới kết cục phải tiêu hủy hơn 4000 con gà một cách lãng phí, bởi đối với hơn phân nửa số gà bị tiêu hủy trên, vaxin chống virut H5N1 vẫn đang có hiệu giá kháng thể bảo hộ rất cao. Vấn đề là ở đâu ? Liệu có xảy ra việc tiêm phòng tắc trách (tiêm không đầy đủ, để xảy ra thiệt hại)? – Câu hỏi đó vẫn treo lơ lửng, tiếp tục làm đau đầu các nhà khoa học và cơ quan điều tra.