Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND tỉnh: Giám sát tại Phòng Giáo dục- đào tạo T.P Thái Nguyên

13:56, 01/03/2008

Ngày 29-2, Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND tỉnh đã có cuộc giám sát về chất lượng giáo dục mầm non tại Phòng Giáo dục- Đào tạo T.P Thái Nguyên.

Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng Giáo dục- Đào tạo T.P Thái Nguyên, đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên mầm non của thành phố có 657 người (trong đó có 575 người thuộc biên chế Nhà nước); 172 người có trình độ cao đẳng, đại học; 431 người có trình độ trung cấp. Hàng năm, đội ngũ giáo viên liên tục được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn; tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi. Qua đó, chất lượng đội ngũ giáo viên không ngừng tăng lên. Các chế độ chính sách đối với giáo viên (cả biên chế và hợp đồng) được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Nhà nước.

Hiện tại, thành phố có 38 trường mầm non, với tổng số 9.637 cháu, ở 348 nhóm lớp. Trong đó, có 34 trường bán công; 1 trường tư thục; 13 cơ sở tư thục; 45 nhóm trẻ gia đình; 3 trường công lập. Các trường đều có sự kiểm tra thường xuyên và được cấp phép hoạt động; phối hợp với các phường, xã nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý, chỉ đạo công tác chuyên môn. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã được các trường chủ động đầu tư và thành phố đầu tư theo các chương trình nên phần nào đã đáp ứng yêu cầu chuyên môn và chương trình đổi mới giáo dục. Song, cơ sở vật chất của đa số các trường bán công do xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp.

Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố kiến nghị: Các cấp, ngành cần nghiên cứu cho phép tăng thêm tỷ lệ học phí trích lại để hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất và đầu tư mua sắm trang thiết bị; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng các trường mầm non thuộc các xã; đối với giáo viên hợp đồng nên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi như giáo viên biên chế; đóng góp mức ăn nên để nhà trường tự thoả thuận với phụ hunh học sinh để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho các cháu; xem xét lại mức thu các khoản thu điện nước, bảo vệ… cho phù hợp với thực tế; nên phân cấp quản lý về kinh phí, học phí, biên chế ở các trường bán công để các trường chủ động thực hiện.

Sau khi nghe lãnh đạo Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố trình bày, Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại Trường mầm non bán công Quang Trung và Trường mầm non tư thục Lệ Thanh. Đại diện các Ban của HĐND tỉnh cũng đề nghị Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố làm rõ một số nội dung: Chất lượng các trường mầm non tư thục; chế độ đối với giáo viên hợp đồng, giáo viên biến chế, giáo viên ở các trường bán công; công tác kiểm tra có đảm bảo theo định kỳ; rà soát các khoản chi ở các trường và kế hoạch sử dụng kinh phí năm 2007-2008…

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội đã ghi nhận những cố gắng của Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố và chỉ ra những mặt còn khiếm khuyết. Đồng thời cũng đề nghị với các ngành liên quan phối hợp với thành phố, có kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.