Cầy vằn ở Vườn quốc gia Cúc Phương nhiễm virus H5N1

08:03, 11/03/2008

Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư khẳng định: bốn mẫu bệnh phẩm cầy vằn chết tại Vườn quốc gia Cúc Phương dương tính với virus cúm H5N1.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, chiều 11-3, tại Hà Nội, Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư báo cáo: Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã có một số cá thể động vật (gồm culi, voọc ngũ sắc, cầy vằn, chim chào mào...) chết.

Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư khẳng định: bốn mẫu bệnh phẩm cầy vằn dương tính với virus cúm H5N1.

Theo điều tra ban đầu, hai nguồn lây nhiễm có thể là từ chim hoang (thường xuyên chui vào nơi nuôi cầy vằn) và từ nguồn thức ăn.

Ðể phòng bệnh cho khách du lịch và bảo tồn loài động vật quý hiếm này, Trung tâm đã yêu cầu Vườn quốc gia Cúc Phương cách ly khu nuôi cầy vằn, ngăn chặn chim hoang tiếp xúc những con cầy vằn, thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường, tăng sức đề kháng cho cầy vằn... đồng thời cũng cần giám sát chặt chẽ toàn bộ rừng Cúc Phương để kịp thời xử lý. Trung tâm cũng khuyến cáo cần có biện pháp bảo vệ cho người nuôi dưỡng (quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, sát trùng quần áo...) khi tiếp xúc với cầy vằn.

Về dịch cúm gia cầm, Cục Thú y cho biết, trong tuần qua TP Hà Nội và Quảng Trị đã tái phát dịch cúm gia cầm. Hiện cả nước có tám tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày là: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Ninh Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội và Quảng Trị.

Ban chỉ đạo nhận định: Nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ tại các địa phương là rất lớn. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, trong tháng 4, các địa phương cần triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm. Dự kiến khoảng 26-3, Cục Thú y sẽ nhập về 250 triệu liều vắc-xin kịp thời cung ứng cho chiến dịch tiêm phòng này.