Chủ động phòng sâu bệnh hại trên cây trồng

15:48, 03/03/2008

Ông Trần Văn Thung, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn) cho biết: Sâu bệnh hại cây trồng chủ yếu mang thân hàn, nên gặp trời lạnh như trước và sau Tết Nguyên đán sẽ không phát triển được. Nhưng, tiết trời bắt đầu nắng ấm, cây trồng phát triển thuận lợi cũng là điều kiện để sâu bệnh sinh sôi, đe dọa tới năng suất cây trồng.

Do vậy đơn vị đã có kế hoạch chủ động điều tra dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên các cây trồng chính gồm: Lúa, chè, vải, rau màu và cây lâm nghiệp.
Những năm trước đây, do làm tốt công tác phòng sâu bệnh hại trên cây trồng, nên địa bàn của tỉnh không xảy ra dịch lớn gây thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, tại vụ Xuân năm trước, một số cánh đồng xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ nơi cao nhất từ 2.500 con đến 3.000 con/m2, cục bộ từ 6.000 đến 7.000 con/m2, cá biệt có chân ruộng trên 10.000 con/m2, gây cháy chòm, phạm vi gây hại rộng.

Vào vụ mùa có xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và nhện gié gây hại khá mạnh trên trà lúa sớm. Và hầu như các nương chè đều xuất hiện rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ và bệnh thối búp... làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Song do bám sát nhiệm vụ, Chi cục đã chỉ đạo đảm bảo duy trì thường xuyên công tác điều tra định kỳ, điều tra mở rộng, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại trên các cây trồng chính, các giống cây trồng nội nhập, trong tháng có thông báo nhanh tình hình sâu bệnh hại và dự báo sâu bệnh tháng sau tới cơ sở. Giữa Chi cục và các trạm bảo vệ thực vật của các huyện, thị và thành phố đều có giao ban định kỳ hàng tháng, qua đó, lượng thông tin được trao đổi đầy đủ giữa cơ sở với lãnh đạo cấp trên, từ đó có giải pháp đúng.

Trong năm, Chi cục đã đưa ra 32 thông báo và công văn chỉ đạo về công tác bảo vệ thực vật; 53 thông báo kết quả điều tra tình hình sâu bệnh hại 7 ngày; 12 thông báo tình hình sâu bệnh tháng. Đặc biệt Chi cục đã tổ chức huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về thuốc bảo vệ thực vật cho 251 cá nhân tham gia buôn bán, kinh doanh mặt hàng này. Và 360 điểm kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong tỉnh thường xuyên được kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nên một số sai phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Đặc biệt, 5 chương trình kinh tế kỹ thuật là mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở; phòng trừ chuột hại; ba giảm ba tăng trong sản xuất lúa; xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn và mô hình sản xuất rau an toàn do Chi cục triển khai được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Để đảm bảo an toàn mùa vụ, ngay từ những ngày đầu năm, Chi cục triển khai tới các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh hại trên các cây trồng chính. Chú ý các bệnh chính trên cây lúa là đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, nhện gié... trên cây chè là bọ cánh tơ, rầy xanh, bọ xít, muỗi, bệnh thối búp... và các loại đối tượng khác gây hại trên cây ăn quả, rau màu và cây lâm nghiệp. Giống cây trồng nhập nội, thủ tục kiểm dịch thực vật, giống bảo quản trong kho đều được quản lý chặt chẽ, đồng thời thực hiện tốt công tác chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật bảo vệ thực vật.