Có khả năng kiềm chế lạm phát

09:55, 28/03/2008

Ngày 28-3, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thực hiện quyền giám sát bằng hình thức chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về những vấn đề bức xúc, nóng bỏng về lạm phát, tiền tệ, giá cả tăng đột biến... Phiên chất vấn này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu và giới báo chí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Định hướng điều hành bắt đầu có tác động tốt đến nền kinh tế

Mở màn phiên chất vấn, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết có 2 nguyên nhân dẫn tới giá cả thị trường tăng cao: Từ thị trường quốc tế và nguyên nhân trong nước. Trong đó, nguyên nhân nội tại sâu xa là trình độ phát triển, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế thấp, sức cạnh tranh chưa cao; thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất - kinh doanh và đời sống của nhân dân; dòng vốn nước ngoài qua đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA, kiều hối, du lịch... tiếp tục chuyển vào nhiều là cơ hội để phát triển đất nước, nhưng khả năng hấp thụ của nền kinh tế chưa tốt làm tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng giá cả... Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, để lạm phát cao hơn tăng trưởng năm vừa qua, có nguyên nhân do dự báo đánh giá tình hình không sát thực tiễn nên đã đặt ra những giải pháp chưa kịp thời, chưa sát, Chính phủ đang thảo luận nhiều phương án khác nhau để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng”. Ông khẳng định: Đây là khó khăn toàn cầu, chúng ta không thể không bị tác động.

Bộ trưởng có dám chắc lạm phát tăng cao không xuất phát từ việc điều hành chưa trúng? - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An) chất vấn. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng: Cá nhân tôi cho rằng định hướng điều hành hiện nay là trúng, tình hình bắt đầu có tác động tốt đến nền kinh tế. Có những thời điểm có ngân hàng gặp khó khăn trong thanh toán, nhưng nay đã được cải thiện. Giá nhiều mặt hàng bắt đầu giảm dần.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: Quyết sách của NHNN ban hành đều có hiệu ứng tốt

Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thừa nhận: “Chúng tôi nhận khuyết điểm về việc nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, nhất là phân tích dự báo sát hơn thì CPI đã không tăng cao đến như vậy”. Ông cũng cho biết, Thủ tướng cũng đã phê bình Ngân hàng Nhà nước rất nặng về điều này. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tín dụng và tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm xung quanh mức 30%. “Khả năng kiểm soát để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát là khả thi”. Ông Giàu khẳng định.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp thứ 7 của UBTVQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá, hiệu quả những quyết sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua đều có hiệu ứng tốt. Chẳng hạn khi Ngân hàng Nhà nước rút bớt lượng tiền lưu thông về đã phát huy ngay tác dụng giảm tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán. Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng trần lãi suất không quá 12% năm là hợp lý, bởi trong điều kiện thị trường biến động, phải luôn đảm bảo công tác kiểm soát của Nhà nước. Bất kỳ quốc gia nào cũng phải có sự kiểm soát Nhà nước, tự do hóa lãi suất phải trong khuôn khổ, hợp lý để đảm bảo ổn định nền kinh tế.

Về trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì để xảy ra lạm phát tăng cao, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Trong điều hành kinh tế vĩ mô phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, mỗi biện pháp phải phối hợp nhiều bộ, ngành để đưa ra quyết định thống nhất. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân, bộ ngành nào”. Thống đốc tin tưởng sẽ nhanh chóng vượt qua được giai đoạn biến động này.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát: Xử lý tốt quan hệ cung cầu vật tư trên thị trường

Chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn về tình trạng giá các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao. Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải, do 50% nhu cầu phân bón, 70% thuốc thú y, 45% bột cá và 100% các chất phụ gia để sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đều phải nhập khẩu theo cơ chế thị trường. Trong khi đó giá thị trường thế giới liên tục tăng nên kéo theo giá bán vật tư nông nghiệp trong nước tăng theo. Để giải quyết thực trạng này, Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, xử lý tốt quan hệ cung cầu về vật tư trên thị trường. Đối với sản xuất trồng trọt, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật sử dụng tiết kiệm giống, phân bón, nước, thuốc trừ sâu theo quy trình “3 tăng, 3 giảm”. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chuyển mạnh sang phát triển các loại gia súc ăn cỏ để ít lệ thuộc vào nguồn thức ăn tinh; chấn chỉnh lại công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh để nhanh chóng khống chế dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Cùng ngày, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn về các giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ thẩm phán để đáp ứng yêu cầu xét xử.