Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước

16:44, 17/03/2008

Ngày 18-3, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa IX) và Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Qua 5 năm thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, các hoạt động nghiên cứu luôn đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, khách quan, trung thực, công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn, hội thảo, thẩm định được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Vì vậy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả theo những mục tiêu mà các Chỉ thị đề ra. Toàn tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 47 đầu sách, trong đó có 2 cuốn lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh, 5 cuốn lịch sử Đảng bộ cấp huyện và 40 cuốn lịch sử Đảng bộ các ngành, các cấp khác.
Các cuốn sách đã xuất bản, phát hành đều đảm bảo chất lượng, phản ánh toàn diện, trung thực, khách quan quá trình xây dựng, trưởng thành của các Đảng bộ, các cơ quan, đơn vị; những đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong quá trình vận động cách mạng giành chính quyền, đặc biệt là trong cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn, công tác tuyên truyền, giảng dạy lịch sử địa phương cũng được chú trọng thông qua việc tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ và lịch sử địa phương; tăng cường thông tin, tuyên truyền lịch sử, truyền thống địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa tổ chức biên soạn, xuất bản được lịch sử do gặp nhiều khó khăn về kinh phí, về nhân lực biên soạn...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Kim yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy lịch sử trong toàn tỉnh. Các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Đồng chí cũng lưu ý các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.