Người dân cần chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

13:37, 16/03/2008

Ông Hoàng Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Vi rút gây bệnh đã có sẵn trong môi trường chăn nuôi như chuồng trại và ngay trên đàn gia cầm. Điều đáng lo ngại là không ít cơ sở chăn nuôi chưa thật sự vào cuộc phòng, chống dịch. Còn trong nhân dân, nhiều hộ không chấp hành tiêm phòng dịch bệnh triệt để cho đàn gia cầm của gia đình.

Cùng đó, nhiều chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh... Đó là những nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch bùng phát tại chỗ. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 6 hộ, 5 xóm, 4 xã thuộc T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công, với 5.752 con gia cầm phải tiêu hủy.
Tại thời điểm này, Thái Nguyên đã ra khỏi danh sách các địa phương có dịch. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn: Dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra nhỏ lẻ, rải rác, không có lây lan ra diện rộng, hầu hết các ổ dịch được khống chế nhưng nguy cơ tiềm ẩn tái bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh còn rất cao...

Như vậy, dịch cúm gia cầm có thể trở lại và bùng phát ở bất cứ thời điểm nào, nếu công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm không được thực hiện triệt để. Được biết, trên địa bàn T.P Thái Nguyên, từ tháng cuối tháng 2 đã có đợt tiêm phòng cúm H5N1 cho toàn đàn gia cầm, tất cả kết hợp phun thuốc hoá chất diệt trùng tại các hộ chăn nuôi, khu vực chăn nuôi, nơi giết mổ gia cầm… Đồng thời, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có văn bản chỉ đạo tới các địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện tiêm phòng cúm H5N1 cho tất cả gia cầm trước kế hoạch 1 tháng. Và trước đó, tại các cơ sở, cán bộ thú y đã thực hiện tiêm phòng bổ sung được 59.000 liều vắc xin H5N1 cho đàn gia cầm. Đồng thời triển khai lấy 1.770 mẫu huyết thanh gia cầm thuộc 59 hộ trên địa bàn để kiểm tra đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng; tại 60 cơ sở chăn nuôi tập trung, đơn vị cũng đã lấy 602 mẫu huyết thanh kiểm tra đáp ứng miễn dịch đối với bệnh cúm gia cầm.

Cũng theo ông Hoàng Văn Dũng: Để việc phòng, chống dịch cúm H5N1 cho đàn gia cầm có hiệu quả, người chăn nuôi cần có ý thức hơn trong việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm. Đặc biệt là giữa hộ chăn nuôi và cán bộ thú y viên cơ sở phải luôn có sự phối hợp chặt chẽ, cùng chủ động để có kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia cầm mới bổ sung...

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch cúm gia cầm, theo chúng tôi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, người chăn nuôi nêu cao ý thức, tự giác tham gia phòng, chống dịch. Đặc biệt là thông tin 2 chiều giữa cán bộ thú y và người chăn nuôi cần được đầy đủ hơn. Tại cơ sở, người chăn nuôi có thể cùng nhau thành lập câu lạc bộ chăn nuôi gia cầm, hằng tháng mời cán bộ thú y về phổ biến, trao đổi kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, cách phòng, chống dịch bệnh… Thông qua hoạt động này, người chăn nuôi có thêm thông tin để sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh cho gia cầm đúng nhãn mác, chất lượng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch cúm H5N1 cho gia cầm. Ngoài tiêm theo định kỳ 2 lần/năm (lần 1 vào tháng 4 và lần 2 vào tháng 10), người chăn nuôi còn có thể đăng ký tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm mới bổ sung…