Nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân

16:13, 01/03/2008

Một ngày đầu xuân, hoa đào khoe sắc trên nhành non lá mới, tôi được bà Phạm Thị Hiền, em gái liệt sĩ Hoàng Ngân báo tin ngày 3-3-2008 sẽ có mặt tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân do Đảng, Nhà nước truy tặng cho Bí thư Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên- Hoàng Ngân, người đã hiến trọn 28 tuổi đời cho độc lập - tự do của Tổ quốc.

Tham gia cách mạng từ thủa thiếu niên

Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921, tại Hải Phòng, con nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long, từng là phu mỏ, nhờ đóng tàu, thuê người đánh bắt, kinh doanh hải sản, lương thực mà trở nên giàu có. Ông kết duyên với thôn nữ Vũ Thị Đỗi, ở làng Cấm (nay là Lê Lợi) Hải Phòng. Gia đình ông Long là cơ sở bí mật của Thành uỷ Hải Phòng và Xứ uỷ Bắc Kỳ từ năm 1935. Với tư chất thông minh, học giỏi, Vân đến với cách mạng rất tình cờ: Một buổi đi học về, thấy trong nhà có mấy người khách lạ, Vân đến với cách mạng sau này mới được biết là các đồng chí thường qua lại là Tô Hiệu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ… Mới 14 tuổi, cô bé nữ sinh Thành Chung xinh đẹp, lanh lợi, vừa đi học, vừa đi làm liên lạc, qua mũi nhọn mật thám, mã tà, việt gian để đưa thư, công văn cho các chú, các anh từ chợ Sắt, Nhà máy tơ, chợ Cột Đèn qua Bến Bính, Thuỷ Nguyên… Mới 17 tuổi, thông minh, có tài thuyết phục, vận động quần chúng, Phạm Thị Vân thu hút được lớp trẻ, tri thức, tiểu tư sản và các nhà buôn lớn ở Hải Phòng tham gia ủng hộ cách mạng. Đỉnh cao là cuộc đình công, biểu tình Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938 của hàng ngàn công nhân các nhà máy ở Hải Phòng và khu đấu xảo Hà Nội do Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ đạo. Phạm Thị Vân còn được giao quyên tiền, lương thực từ gia đình và các cơ sở quần chúng yêu nước tiếp tế cho cuộc đấu tranh thắng lợi, được báo chí Đông Dương và Pháp đưa tin…

Giặc Pháp bắt một số cán bộ, Vân sa vào tay giặc. Sau nhiều ngày tra khảo, không khai thác được gì chúng buộc phải thả. Phạm Thị Vân tham gia Thành uỷ Hải Phòng, được rút đi thoát ly (1939), cô thiếu nữ xinh đẹp được Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ Hoàng Văn Thụ giao làm công tác phụ vận, binh vận, qua lại xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên, Hải Dương. Có lẽ trái tim thiếu nữ đã cảm phục, ngưỡng mộ anh Thụ từ thuở ấy…

Phạm Thị Vân hoạt động hăng say, vượt qua mọi gian truân. Đầu xuân năm 1941, anh Thụ, chị Vân đi Quảng Ninh, đến làm việc ở Móng Cái. Đến Đông Triều - Yên Tử, ra bãi tập xem anh Hoàng Oánh học Trường sĩ quan Hoàng Phố (Trung Quốc) về huấn luyện cho đảng viên và anh em cốt cán cách đánh biệt động, đánh du kích, bài giảng khẩu lệnh nhiều tiếng Hán, tiếng Tây, chị Vân đã tập hợp, viết, dịch, biên soạn thành tiếng Việt, sau khi được anh Thụ, anh Oánh góp ý, chỉnh sửa rồi in thành nhiều bản rô-nê-ô. Tài liệu này được dùng huấn luyện cho lực lượng vũ trang Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 -1945. Chị Vân cũng lao vào tập lăn lê, bắn súng, gài mìn, ném lựu đạn… Sau này, chị Vân còn phổ biến, huấn luyện một số cán bộ, đội du kích đường 5 mang tên Hoàng Ngân ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương cách đánh phục kích xe ô tô và tàu hoả địch, gây kinh hoàng cho giặc Pháp.

Tình yêu bất tử của Hoàng Văn Thụ- Hoàng Ngân

Năm 1939 chị Vân vừa tròn 19 tuổi, còn anh Hoàng Văn Thụ 30 tuổi (sinh năm 1909). Khi được anh Thụ đặt vấn đề muốn xây dựng hạnh phúc với mình, chị Vân chỉ dám nói: “Em còn phải xin ý kiến gia đình, xin trả lời anh sau”.

Phạm Thị Hiền, em gái chị Vân kể lại: Anh Thụ cử liên lạc về quê ở huyện Văn Lãng, Lạng Sơn đưa bố là ông giáo trường làng Hoàng Khải Lan xuống thưa chuyện với gia đình ông Phạm Trung Long cho anh Thụ được làm con rể, chị Vân được làm con dâu ông Lan. Thấy ông Lan dáng cao ráo, hiền lành nho nhã rất hợp, ông Long đồng ý và nhắc hai con phải báo cáo tổ chức công nhận, cách mạng thành công sẽ về chung một nhà. Trong ngày lễ đính ước thiêng liêng đó anh Thụ, chị Vân cũng chỉ gần nhau ba mươi phút rồi đi…

Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng còn nhớ Uỷ viên Thành uỷ Hà nội Phạm Thị Vân lúc ấy 24 tuổi (năm 1945), được phân công phụ trách một số huyện ngoại thành, kiêm Bí thư phục vận Bắc Bộ: Cô ấy dũng cảm, sắc sảo lắm. Là con gái thành thị mà không thuộc dạng tiểu thư. Lúc ấy Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân có Tổng Bí thư Trường Chinh, anh Hoàng Văn Thụ và anh Hoàng Quốc Việt. Anh Chinh, anh Việt thay mặt đoàn thể công nhận tình yêu đã đính ước của hai người, sau khi anh Thụ hy sinh, cô Vân xin được ghép họ hai người thành tên - “Phạm Thị Hoàng Ngân” thường gọi là Hoàng Ngân- tình yêu và dũng khí Hoàng Văn Thụ chẳng đã ngân vang đó sao? Ông nhắc: “Thái Nguyên nên tạc một bức tượng đá hoa cương đặt trên di tích lịch sử đồi Hoàng Ngân ở An toàn khu (ATK) Định Hoá”.

Biến toà án, nhà tù thành diễn đàn và trường học cách mạng

Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Vân cùng các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt từ ngày 10 đến 19 - 5 -1945 ngược lên Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng) dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Anh Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương. Cuối tháng 5, chị Vân vui mừng gặp lại anh Thụ tại cuộc họp Xứ uỷ Bắc Kỳ ở ngoại ô Hà Đông, bị giặc Pháp vây bắt, chị Vân chạy ra đến bến tàu điện thì bị bắt. Sau 3 tháng giam cầm tại Hà Đông, ra toà án, Phạm Thị Vân vạch mặt kẻ thù; “Dân tộc Việt Nam bị bóc lột đến tận cùng, đủ thứ thuế, ác nhất là thuế thân, lại không được học hành, các ông dùng thuốc phiện, rượu cồn làm cho nhân dân ngu muội để dễ bề cai trị. Chúng tôi đấu tranh để đuổi kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi, chứ không phải là những kẻ nổi loạn, vì đây là đất nước chúng tôi”. Bọn quan toà tức tối đập bàn không cho nói… Chị Vân hô vang: Chúng tôi phản đối lối xét xử áp đặt thiếu quyền con người… Quần chúng dự phiên toà, gia đình và đồng đội đồng thanh hô: Phản đối, phản đối… Bẽ mặt trước nữ chiến sĩ cộng sản 20 tuổi, toà án thực dân Pháp kết án Phạm Thị Vân 12 năm tù, biệt giam tại Hoả Lò (Hà Nội). Chị Vân vận động anh chị em tù chính trị đoàn kết, đấu tranh đòi giam chung tù nữ, không cắt tóc tù nữ, đòi ra sân làm cỏ, dọn vệ sinh, phơi nắng… để dễ liên lạc, phối hợp đấu tranh. Cai ngục phải cho chị Vân giam chung với các chị em khác, chị tổ chức học văn hoá, dạy đan, thêu. Ngồi ngay trên sàn nhà tù lạnh giá, chị Vân giảng văn hoá-chính trị cho chị em nung nấu lòng căm thù giặc, vận động chị em tuyệt thực, tố cáo nhà tù cho ăn gạo mốc, cá khô mục nát. Lấy lý do chị em tù chính trị đau yếu, đấu tranh đòi được nhận tiếp tế hàng tháng…

Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (1943) ở Võng La (Đông Anh) triển khai Nghị quyết: “Toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”, anh Hoàng Văn Thụ đi chỉ đạo công tác vận động binh lính địch bị bắt (21-9-1943) ở ngõ Năm Diêm, khu Tám Mái (nay là khoảng đầu đường Giảng Võ, Hà Nội và bị địch bắt. Chúng đưa anh vào biệt giam ở nhà tù Hoả Lò với mức án tử hình.

Đôi lần được ra sân làm cỏ, phơi nắng, qua ánh mắt trao gửi của anh Thụ, chị Vân được tình yêu thương tiếp sức. Chị tháo chiếc áo len do em gái mang vào đan thành áo len cổ cao gửi cho anh Thụ. Vào sáng sớm 24-5-1944, giặc Pháp đưa anh Hoàng Văn Thụ đi xử bắn ở Trường bắn Tương Mai. Tất cả anh em tù chính trị Hoả Lò bừng dậy hét vang phản đối. Chị Vân ngất xỉu. Anh Hoàng Văn Thụ nêu cao chí khí bất khuất, kiên trung, trong thư gửi chị Vân anh dặn chị giữ sức khoẻ, tiếp tục cuộc đấu tranh trả thù cho anh, vững bước trên con đường giành độc lập cho nước nhà. Đặc biệt có bài thơ “Nhắn bạn” nổi tiếng không chỉ dành riêng cho chị: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/Hỡi bạn xa gần hăng chiến đấu”… Ngày 9-3-1945, chị Vân cùng một số anh chị em tù Hoả Lò vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Hiến trọn 28 tuổi xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc

Hoàng Ngân được Đảng giao làm Thường vụ Khu uỷ Liên khu Ba (năm 1946), phụ trách Ban dân vận và Phụ vận. Tuy sức khoẻ còn yếu do di chứng bị đòn tra tấn, cầm cố trong nhà tù, ở tuổi 25 trẻ trung, đầy nhiệt huyết, chị vẫn lao vào công việc miệt mài ngày đêm. Toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan di chuyển qua Vĩnh Yên, lên Tam Đảo, vượt sang An toàn khu (ATK) của Trung ương ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), trụ lại ở một bản gần Gốc Hồng, cạnh Đèo Khế. Tháng 10-1947, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên (nay là Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Năm 1948, trước yêu cầu của việc tuyên truyền, vận động đoàn kết phụ nữ kháng chiến, kiến quốc, Hoàng Ngân sáng lập tờ báo Phụ nữ Việt Nam kiêm Tổng biên tập đầu tiên của Báo… Là một trong số lãnh đạo Trung ương còn rất trẻ, 27 tuổi, xông xáo, có trình độ, dày dạn kinh nghiệm, Hoàng Ngân vừa lo ổn định nơi ăn, tổ chức bộ máy, xây dựng Đoàn Phụ nữ cứu quốc các tỉnh, huyện, xã vừa vận động chị em tích cực tham gia phong trào “Mùa đông binh sĩ”, hội “Mẹ chiến sĩ”, “Đón thương binh về làng”, “Thi đua ái quốc”, thành lập đội du kích vùng sau lưng địch… đưa hoạt động của phụ nữ cứu quốc Việt Nam lên tầm cao mới. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi được bà Lưu Thị Liên là giao thông của Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc khi mới 15 tuổi, nay đã vào tuổi 74, cho biết: Do những vết thương vì bị tra tấn tù đày tái phát, bị sốt rét ác tính, ngày 17-7-1949 chị Hoàng Ngân được tôi, chị Thảo, chị Nhi, chị Thư, chị Ngọc Khanh, chị Thuỷ, chị My và anh Hồng bên Nông Hội cáng đưa sang y xá Trần Quốc Toản (nay là Bệnh viện 354 Bộ Quốc phòng) ở Mỹ Yên (Đại Từ), chị hy sinh lúc 17 giờ ngày 17-7-1949. Các y bác sĩ và chị em thương tiếc Hoàng Ngân khóc như mưa. Lúc này gia đình ông Long cùng Phạm Thị Hiền được liên lạc đưa đi hơn hai ngày đêm tới Mỹ Yên dự lễ truy điệu do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh làm Trưởng ban lễ tang, đưa chị về nơi yên nghỉ cuối cùng, an táng tại đồi cao, đến nay vẫn được chính quyền, người dân địa phương gọi là đồi Hoàng Ngân.

Trong mái lán vầu cọ Phủ Chủ tịch đơn sơ ở ATK Định Hoá, ông Long được Bác Hồ mời ăn cơm. Bác cảm ơn ông bà đã sinh ra, nuôi dạy người con gái thông minh, dũng cảm, tận tuỵ hết lòng vì sự nghiệp cách mạng. Bác nói: “Gia đình ta mất đi một người con trung hiếu, Chính phủ ta mất đi một nữ cán bộ trẻ thông minh, xuất sắc”. Ông Long còn được Hồ Chủ tịch mời đến thăm hỏi, tặng hoa sau khi thành phố Hải Phòng đón Bác về thăm (1954). Đến năm 1956, ông Long đi dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần I ở Hà Nội, được Bác Hồ tặng một chiếc áo Ba đờ suy bằng dạ. Đáp ứng nguyện vọng của gia đình, ngay trong năm ấy, Bác cho đại diện Văn phòng Chính phủ, TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Quốc hội cùng ông Phạm Trung Long và anh Phạm Trung Điền (là em trai liệt sỹ Hoàng Ngân) lên Đại Từ cùng Đảng bộ huyện, xã và nhân dân Mỹ Yên làm lễ, đưa hài cốt Hoàng Ngân về cùng phần mộ anh Hoàng Văn Thụ ở Nghĩa trang Mai Dịch.

TW Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam chuyển lên đồi Pù Ngạm Ngà, xã Điềm Mặc, ATK Định Hoá, được Bác Hồ cho đặt tên là Đồi Hoàng Ngân. Ở Nam Định, Hải Phòng có đường, phố Hoàng Ngân. Ngày 14-7-2003, Đảng, Nhà nước truy tặng liệt sỹ Hoàng Ngân Huân chương Độc lập (14-7-2003). Ngày 5-12-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1481/2007/QĐ/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho liệt sĩ Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân), Bí thư TW Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam đầu tiên.

Tôi đã hai lần gặp bà Phạm Thị Minh Hiền, nay đã 75 tuổi, cùng em gái Phạm Thị Nguyệt (là các em của liệt sỹ Hoàng Ngân) trở lại ATK Định Hoá trao học bổng Hội đồng hương Hải Phòng ở thành phố Hồ Chí Minh cho con em xã Điềm Mặc. Ở Hà Nội, bà còn em trai Phạm Trung Điền. Bà Hiền rất mong Thái Nguyên có xã, đường phố mang tên Hoàng Ngân-người nữ Anh hùng đã hiến trọn 28 tuổi xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.