Tai nạn lao động: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

14:35, 17/03/2008

144 người bị nạn, trong đó có 8 người chết, 35 người bị thương nặng do 139 vụ tai nạn lao động xảy trên dịa bàn tỉnh Thái Nguyên trong năm 2007... là những con số rất đáng cảnh báo về việc nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sản xuất và cả người lao động đã không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật của Nhà nước về BHLĐ, AT-VSLĐ và PCCN…

Theo những đơn thư công dân gửi đến Báo Thái Nguyên và qua những lần đi cơ sở được mắt thấy, tai nghe về vấn đề ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác khoảng sản, sản xuất công nghiệp… chúng tôi nhận thấy: Vấn đề ô nhiễm môi trường do khói bụi, chất thải đang trong tình trạng báo động. Đặc biệt là các nhà máy, xí nghiệp nằm trong lòng T.P Thái Nguyên được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước và ở KCN Sông Công. Công nghệ lạc hậu, máy móc xuống cấp do thời gian sử dụng, đầu tư cải tiến công nghệ, xứ lý môi trường hạn chế dẫn tới những nhà máy, xí nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân quanh khu vực.

Mới đây nhất, chúng tôi đã có buổi khảo sát tại KCN Sông Công. Đơn vị đầu tiên chúng tôi tới là Nhà máy Kẽm điện phân (Công ty TNHH Một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên)- một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đã được các cơ quan truyền thông của tỉnh phản ánh gay gắt thời gian trước. Ông Nguyễn Văn Thuyết, Phó Giám Nhà máy đưa chúng tôi đi tham quan các phân xưởng và giới thiệu về các biện pháp cải tiến công nghệ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi đến khu vực bóc tách kẽm sau khi đã qua công đoạn điện phân thì cả chủ và khách đều ho khù khụ, cá nhân tôi cũng cảm thấy ngàn ngạt, khó thở. Bên ngoài Nhà máy, nhiều cây xanh mới trồng bị táp lá, một số cây đã chết… Đơn vị thứ 2, 3 chúng tôi tới là Nhà máy gạch lát nền Việt- Ý và Nhà máy Vật liệu xây dựng- Vật liệu chịu lửa 3. Tại các cơ sở này môi trường làm việc có khá hơn nhưng nhiều công nhân lại không mang đồ dùng bảo hộ lao động khi làm việc (mặc dù đã được đơn vị trang bị).

Đặc biệt vừa qua, cùng đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về AT-VSLĐ, PCCN của tỉnh đi kiểm tra một số đơn vị trên địa bàn, chúng tôi thấy: Việc thực hiện các văn bảp pháp luật của Nhà nước quy định trong lĩnh vực này vẫn chưa được nghiêm túc; chủ sử dụng lao động vi phạm về việc thực hiện chính sách đối với người lao động; việc trang bị đồ dùng bảo hộ lao động, cải thiện môi trường làm việc, phòng chống chay nổ chưa được quan tâm... Khi đoàn kiểm tra phát hiện các lỗi vi phạm thì hầu hết chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều nói chưa nắm rõ các quy định và sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới! Qua thực tế tìm hiểu về công tác AT-VSLĐ, PCCN ở một số cơ sở cho thấy công tác này còn nhiều bất cập và tinh thần chủ quan của chủ sử dụng lao động và bản thân người động trong vấn đề an toàn lao động, cháy nổ vẫn rất phổ biến.

Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển là điều hết sức cần thiết. Song, nếu các cơ quan chức năng lơ là, chủ quan trong công tác AT-VSLĐ, PCCN sẽ rất dễ xảy ra tai nạn, gây thiệt hại về tài sản và cả tính mạng cho người lao động. Mong rằng, các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, các chủ doanh nghiệp và bản thân người lao động cần nêu cao ý thức hơn nữa về công tác này. Đừng để khi tai nạn lao động đã xảy ra rồi mới hối tiếc, sửa sai!