Thủ tục cai nghiện ma túy: Vấn đề bức xúc hiện nay

15:15, 08/03/2008

 Theo tổng kết của cơ quan chức năng, tỷ lệ phạm tội do nghiện ma túy gây ra là hơn 90%. Nghiện hút đã và đang là nỗi lo cho nhiều người dân và nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Ðối tượng nghiện ma túy trộm cắp dưới nhiều hình thức từ thấp đến cao, trộm cắp tài sản của công dân từ thứ nhỏ nhất đến phá hoại cả công trình lớn của quốc gia. Thậm chí để thỏa mãn cơn nghiện, nhiều đối tượng đã gây ra những vụ cướp của giết người dã man.

Làm thế nào để đưa những đối tượng nghiện hút đi cai nghiện nhanh nhất, sớm nhất và có hiệu quả? Ðây thật sự là một việc làm cần thiết và có tính nhân đạo cao. Bởi lẽ, gia đình có người thân sa vào nghiện hút ma túy đã chịu quá nhiều đau khổ và tai tiếng, xã hội cũng quá bức xúc. Ðiều này các ngành chức năng cũng có nhiều biện pháp. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn lại phương pháp đã làm.

Hiện nay có hai hình thức cai nghiện: Cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện:

Hình thức cai nghiện tự nguyện: Thủ tục có phần đơn giản. Gia đình và người nghiện tự nhận sau đó đưa người nghiện đến trại xin làm thủ tục nhập trại. Hình thức này nếu trại đồng ý thì gia đình có người nghiện ma túy phải tự túc hoàn toàn kinh phí (kể cả sinh hoạt, thuốc men).

Tuy nhiên hình thức này không hẳn đơn giản là vậy và không phải đối tượng nào cũng được đi cai nghiện tự nguyện. Thời gian cai nghiện lâu mau phụ thuộc vào gia đình đối tượng. Bởi có gia đình đưa đối tượng đến chỉ mới cắt cơn đã phải đưa về vì không đủ kinh phí ở trại. Khi trở về xã hội người nghiện không có việc làm, nhớ thuốc và lại tái nghiện, tỷ lệ này không nhỏ.

Hình thức cai nghiện bắt buộc: Nói về quy trình đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc chúng ta sẽ thấy được các thủ tục lần lượt diễn ra.

Thứ nhất, người nghiện phải tự nhận mình là nghiện hút ma túy (hoặc bị công an bắt quả tang sử dụng ma túy); bước tiếp theo người nghiện được đưa vào giáo dục theo tinh thần Nghị định 163 CP: Giáo dục ít nhất ba tháng tại phường, nơi cư trú. Mỗi tháng đối tượng tự kiểm điểm một lần, có cán bộ phụ trách tổ dân phố nhận xét.

Bước tiếp: Nếu thấy chưa tiến bộ (nghĩa là vẫn duy trì nghiện hút), lúc này công an phụ trách mới đề xuất đưa vào diện cai nghiện bắt buộc.

Công an khu vực xác nhận còn nghiện, chưa tiến bộ cần cai nghiện bắt buộc.
Thứ hai, phải có các loại dấu của công an phường, dấu của Ðoàn Thanh niên, dấu của Hội Phụ nữ phường, dấu của Mặt trận phường, dấu của y tế phường. Sau đó chuyển hồ sơ hoàn chỉnh này lên đội tổng hợp xem xét và tiếp tục chuyển sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, sau đó chuyển tiếp sang Viện Kiểm sát nhân dân thành phố; và chuyển lên hội đồng tư vấn tỉnh (gồm nhiều cơ quan, ban, ngành, chức năng). Nếu hội đồng này đồng ý, hồ sơ mới trình lên Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định cho đi cai nghiện bắt buộc và sau đó hồ sơ, danh sách lại đưa về nơi xuất phát ban đầu, nghĩa là giao cho công an phường thực hiện bắt buộc đối tượng đi cai nghiện.

Nhiều đối tượng sau khi làm đủ những thủ tục trên cũng mất nửa năm trời. Thời gian này là quá lâu với người nghiện và gia đình, khiến cho họ cảm thấy quá sốt ruột.

Trong khi những thủ tục phiền hà, lách cách là vậy thì được biết mỗi năm ở một phường chỉ đưa đi cai nghiện bắt buộc từ hai đến ba đối tượng.

Vậy là, cơ sở cai nghiện thì quá ít ỏi, cơ sở vật chất lại thiếu thốn, kinh phí hạn hẹp. Mỗi năm chỉ đảm nhiệm khoảng 100 người nghiện vào trại (số này cả cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện). Từ thực tế, với hàng nghìn người nghiện như hiện nay thì sẽ phải cai nghiện trong bao nhiêu năm mới hết? Chưa kể những người nghiện tiếp nối hằng ngày, người nghiện cai rồi trở về nghiện lại. Và bài toán này liệu có lời giải?

Ðể khẳng định cai nghiện thành công khi cai nghiện bắt buộc trở về (sau 12 tháng tại trại, người nghiện có giấy chứng nhận, bên dưới là chữ ký và dấu của giám đốc hoặc trưởng trại). Mặc dù vậy có thể nói việc xác nhận này cũng dựa trên sự cảm tính nhiều hơn là cơ sở căn cứ khoa học chính xác. Bởi thực tế nhiều người nghiện trở về vẫn ngựa quen đường cũ và lại có thêm nhiều "kinh nghiệm" để đối phó cơ quan chức năng.

Tình trạng cai nghiện ma túy như hiện nay chỉ đơn giản là giải quyết cắt cơn nghiện, như vậy là chưa đủ, việc làm này chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". Ðược biết người dân rất tin vào chính quyền, công an, cơ sở cai nghiện, song còn ở các cơ quan chức năng trách nhiệm đến đâu, gia đình người nghiện và người nghiện nhận thức ra sao?

Ðã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, nên chăng phải tìm biện pháp, giải pháp nào nhanh nhất để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện sớm nhất và cai nghiện có hiệu quả nhất.

Hiện nay, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng đã được cấp kinh phí làm điểm về công tác: Quản lý đối tượng lang thang, trong đó có cai nghiện đã đạt được hiệu quả cao. Nên chăng các địa phương cần nghiên cứu học tập.