Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Hội thảo về pháp luật lao động

09:11, 13/03/2008

Trong 2 ngày (13 và 14-3), tại Khu Du lịch Hồ Núi Cốc, Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về Pháp luật lao động. Dự Hội thảo có ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội; đại diện Viện Nghiên cứu Luật Lao động Friedrich Ebert (FES) của Cộng hòa Liên bang Đức; đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...

Pháp luật Lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động. Vì vậy Pháp luật Lao động có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Bộ luật Lao động của nước ta được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/1995 gồm 17 chương với 198 điều, nội dung đề cập tương đối đầy đủ các vấn đề trong quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động; bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên trong tiến trình phát triển của đất nước, Bộ luật Lao động đã có nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế và đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều lần gây nên sự mất cân đối, đồng bộ trong Bộ luật Lao động. Để tiếp tục hoàn thiện Pháp luật Lao động, Quốc hội khóa XII đã có Nghị quyết giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét để thông qua Dự án “Bộ luật Lao động sửa đổi”.

Tại Hội thảo, sau khi nghe đại diện Viện FES trình bày về Luật lao động Đức, một số kinh nghiệm xây dựng Luật Lao động sửa đổi của Cộng hòa liên bang Đức và nghe đại diện một số ngành liên quan trình bày tham luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề cốt lõi của pháp luật lao động Đức cũng như pháp luật lao động Việt Nam, tập trung vào các nội dung: Cơ chế ba bên trong quan hệ lao động, thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động, đình công và giải quyết đình công...

Với các thông tin, ý kiến tại Hội thảo đã giúp các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở để xem xét, tham gia xây dựng, hoạch định chính sách Pháp luật Lao động phù hợp trong tiến trình đổi mới và yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.