Về vụ đình công tại Công ty CP đầu tư và thương mại TNG: Bài học cho các nhà quản lý

17:01, 26/03/2008

Khoảng 500 công nhân Chi nhánh TNG số 1 đã tập trung trước cổng Công ty CP đầu tư và thương mại TNG từ 7h sáng hôm nay 27-3 để đình công, đòi được đối thoại và đề nghị lãnh đạo Công ty giải quyết một số vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty cùng đại diện Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn Ngành công nghiệp đã có mặt để giải đáp thắc mắc và có cam kết với người lao động.

Ý kiến của công nhân Công ty phản ánh đến nhà quản lý doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề: Tiền lương quá thấp, định mức lao động lại quá cao; thời gian làm thêm giờ nhiều; tiền hỗ trợ nhà trọ cho người lao động chưa được chi trả; chất lượng các bữa ăn ca của công nhân kém; thời gian công nhân phải chờ việc nhiều... Trao đổi với anh chị em công nhân, chúng tôi được biết, mỗi ngày người lao động ở đây phải làm từ 7h đến 20h, nhiều hôm phải làm thêm tới 22h30 phút. Trong khi đó, lương tháng rất thấp, trung bình từ 500- 700 nghìn đồng/người/tháng. Trong khi, phần đông người lao động phải ở trọ. Nhiều chị em còn phản ánh rằng bị cán bộ quản lý tổ phạt tới 50 nghìn đồng khi nghe một cuộc điện thoại đột suất hoặc đi làm muộn 5 phút. Việc các tổ trưởng, cán bộ quản lý cấp tổ có những thái độ cứng nhắc, không dành thời gian điều hành công việc mà lại đi làm cùng công nhân để được hưởng một lúc hai lương hoặc nạt nộ khi công nhân có ý kiến kiến nghị cũng được người lao động phản ánh... Tình trạng trên đã kéo dài khoảng 2 năm nay...

Ngay sau khi thảo luận và trực tiếp giải đáp những thắc mắc của anh chị em công nhân, ông Nguyễn Văn Thời đã lập bản cam kết với đại diện người lao động là Chủ tịch Công đoàn công ty và tập thể lao động của chi nhánh TNG số 1, với nội dung: Mỗi ngày làm thêm sẽ không quá 2 giờ, hết giờ làm sẽ tắt điện để công nhân nghỉ. Nếu phải làm thêm giờ sẽ thông báo trước cho người lao động biết. Làm thêm giờ sẽ được trả lương bằng 1,5 lần lương sản phẩm; làm ngày chủ nhật, lương gấp 2 lần ngày thường và làm ngày lễ, tết sẽ gấp 3 lần. Những trường hợp chưa được trả tiền làm thêm giờ, Công ty sẽ kiểm tra và trả ngay trong ngày. Công ty sẽ bù lương nếu tiền lương hàng tháng của người lao động thấp hơn lương cơ bản. Sẽ thông báo trước 12 giờ cho người lao động nếu không đủ việc làm. Thanh toán ngay tiền bảo hiểm còn chậm chưa trả cho công nhân. Tiến hành công khai đơn giá tiền lương cho công nhân biết. Công ty sẽ kiểm tra nhà ăn ca, có thể sẽ thay cán bộ quản lý ở đây để đảm bảo bữa cơm cho công nhân...

Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh cũng yêu cầu Công ty thực hiện đúng quy định của Pháp luật về thời gian làm thêm giờ như: Mỗi tháng người lao động phải được nghỉ 4 ngày, một năm không làm thêm quá 300 giờ. Trong trường hợp người lao động phải nghỉ chờ việc mà không do lỗi của người lao động thì được hưởng lương chờ việc (bằng 75% lương cấp bậc cơ bản của người lao động đó).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Tổng Giám đốc Công ty tỏ ra không hài lòng về đội ngũ cấp dưới của mình. Ông nói: Quả thật những thông tin mà người lao động phản ánh, hôm nay tôi mới được nghe, được biết. Thực sự tôi đã bị thiếu thông tin. Tiếng nói của người lao động đã không đến được với người quản lý cao nhất, nên mới để xảy ra sự việc đáng tiếc này. Chúng tôi nhận lỗi và hứa sẽ giải quyết thấu đáo những kiến nghị chính đáng của anh chị em công nhân.

Ông Hoàng Văn Hùng, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh cũng chia sẻ: Theo tôi, ở đây có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, việc thực hiện quy chế dân chủ ở Công ty còn ít. Người lao động không được tạo điều kiện tiếp xúc, phản ánh tâm tư nguyện vọng với những người có chức trách ở Công ty. Thứ hai, sự chênh lệch về thu nhập giữa công nhân và nhà quản lý của Công ty quá lớn. Cuối cùng, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở còn non yếu, không giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, khúc mắc ngay từ ban đầu.

Đây là lần đầu tiên ở Thái Nguyên người lao động tổ chức đình công để phản ánh những bức xúc và đòi quyền lợi. Sự việc trên chính là lời cảnh báo, bài học cho những nhà quản lý doanh nghiệp trong vấn đề tổ chức lao động và sử dụng lao động.