Các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước phải là lực lượng nòng cốt kiềm chế lạm phát

08:40, 01/04/2008

Chiều ngày 1-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về những giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, lãnh đạo các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty...

Ảnh hưởng tiêu cực

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, từ cuối năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, giá dầu thô và nhiều loại vật tư, lương thực tăng đột biến... Cùng với đó là sự mất giá của đồng USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các khu vực, nền kinh tế lớn cũng giảm sút so với năm trước, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế toàn cầu, nhất là với các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh đó nền kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu bị đẩy cao. Bên cạnh đó là những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh... Tuy nhiên, quý I vừa qua, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Thế nhưng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng của công nghiệp thấp hơn so với quý I năm trước. Nhập khẩu tiếp tục tăng cao, ở mức tăng 62,5% so với cùng kỳ và mức nhập siêu 3 tháng qua bằng 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả đầu tư, nhất là đối với đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách...

Trước tình hình đó, Chính phủ đề ra mục tiêu là kiềm chế lạm phát không cao hơn năm 2007, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7,5% và khi có điều kiện sẽ cố gắng đạt tốc độ tăng cao hơn; tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, tập trung nguồn lực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ và bảo đảm đời sống người nghèo, vùng miền núi, đồng bào dân tộc.

Và trách nhiệm giữ ổn định giá cả

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là những đơn vị chủ lực của kinh tế nhà nước (trên 300 nghìn doanh nghiệp) chiếm 40% GDP, vốn tín dụng chiếm 60% và vay nợ chiếm 70% GDP; do vậy các đơn vị này phải là lực lượng nòng cốt tham gia cùng với đất nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Sau khi phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra tình trạng lạm phát cao như hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cần triển khai thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm bám sát ngành nghề, lĩnh vực chính của mình để rà soát lại các danh mục đầu tư theo hướng loại bỏ các dự án chưa đủ thủ tục và các dự án kém hiệu quả, đồng thời tập trung vốn cho các dự án hoàn thành để sớm đi vào hoạt động... Các đơn vị không được đầu tư quá 30% ra các lĩnh vực không thuộc ngành nghề chính và cơ cấu lại chiến lược đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư kinh doanh nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Trước mắt, Thủ tướng đề nghị các đơn vị triển khai ngay việc rà soát lại chi phí sản xuất, thực hiện mọi biện pháp để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp. Chú trọng các biện pháp đổi mới công nghệ sử dụng ít nhiên liệu năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu, tiết kiệm chi phí quản lý... Tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là những mặt hàng lớn có giá trị gia tăng cao và bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện cắt giảm 10% chi tiêu hành chính đối với các cơ quan sử dụng ngân sách, nhất là việc sử dụng điện và xăng dầu.

Đối với các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, xi măng, điện, thuốc chữa bệnh, giá vé tàu hỏa, hàng không, xe buýt, nước sạch, học phí và viện phí... Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến tháng 6-2008 không được tăng giá và có trách nhiệm cùng với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc giữ ổn định giá cả. Theo đó, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước và các hiệp hội cùng phối hợp để triển khai các giải pháp nhằm bình ổn giá như: Tổ chức tốt mạng lưới phân phối sản phẩm hàng hóa, hợp lý hóa các khâu trong lưu thông, thực hiện nghiêm các qui chế niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết... Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung quản lý giá chặt chẽ, đặc biệt là chống tình trạng đầu cơ buôn lậu nhằm bảo đảm cân đối và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình khó khăn hiện nay càng phải cố gắng bảo đảm mục tiêu chống lạm phát và tăng trưởng kinh tế, quan tâm thỏa đáng đến đời sống của người nghèo, kiên quyết bảo đảm các cân đối vĩ mô. Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao, quyết liệt để điều hành, tháo gỡ khó khăn, kìm hãm lạm phát để bình ổn đời sống KT-XH.