Giải phóng mặt bằng vẫn là việc khó- vì sao?

03:03, 30/04/2008

Giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là đề tài nóng hổi trên nhiều diễn đàn thời gian qua. Nếu liệt kê đầy đủ thì xung quanh vấn đề này cũng có thể chỉ ra hàng chục cái khó, mà cái khó nào cũng ẩn chứa những mâu thuẫn không dễ giải quyết. Những năm gần đây, tỉnh ta đã đặc biệt chú trọng đến GPMB các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Thành quả thu về cũng nhiều, nhưng tồn tại cũng không ít.

Cái khó đầu tiên mà nhiều địa phương đang mắc phải trong GPMB chính là sự thay đổi của cơ chế, chính sách. Đối với các chính sách quản lý về đất đai thường có sự thay đổi. Nhiều trường hợp, thay đổi sau hoàn toàn trái ngược với quy định trước, nên khi triển khai ở cơ sở sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Việc giải thích cho người dân hiểu về vấn đề này là cả một quá trình. Rõ ràng, việc quản lý đất đai từ trước đến nay chưa thực sự nhất quán. Hơn nữa, nguồn gốc đất đai nhiều khi không rõ ràng, Luật Đất đai lại thay đổi thường xuyên.

Thực tế cho thấy, từ những thay đổi này mà nhiều dự án kéo dài liên năm sẽ chịu tác động trực tiếp vì một phần dự án sẽ thực hiện theo chính sách cũ và phần khác lại áp dụng theo chính sách mới. Có nghĩa là, trên cùng một mảnh đất nhưng phải chịu sự tác động điều chỉnh của nhiều điều trong Luật mới. Cũng chính sự thay đổi nhanh chóng này đã khiến nhiều cán bộ làm công tác GPMB của tỉnh gặp trở ngại trong tiếp nhận và xử lý thông tin mới, từ đó khiến việc triển khai tại cơ sở càng khó hơn.

Một thực tế hiển nhiên là khi có thông tin về chuẩn bị quy hoạch xây dựng một công trình nào đó gần khu dân cư (nhất là đường giao thông) thì lập tức giá đất khu vực đó sẽ "đội trời đi lên". Các "trùm" buôn đất lúc này mới vào cuộc và tạo ra một khung giá ảo cao hơn rất nhiều so với khung giá đất của tỉnh quy định. Chính điều này đã khiến việc áp dụng giá đền bù cho người dân trở nên phức tạp. Đây cũng là điều kiện để cho nhiều hộ trong diện di dời thắc mắc và tỏ rõ thái độ không chấp hành.

Chẳng nói đâu xa, khi được biết kế hoạch thực hiện Dự án tuyến đường tránh T.P Thái Nguyên, tuyến đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên, rồi kế hoạch mở rộng địa bàn thành phố, phát triển hạ tầng đô thị phía Tây thành phố... nhiều người dân đã đổ xô vào gần các khu vực này để mua bán, đầu cơ đất. Khi tỉnh tiến hành thu hồi đất phục vụ dự án thì đương nhiên các đối tượng này được hưởng lợi. Và mức độ chi trả bồi thường GPMB của Nhà nước chắc chắn sẽ tăng lên.

Có hai quy định về GPMB tương ứng với hai loại dự án phổ biến đó là: Dự án quy mô lớn của Nhà nước, thì Nhà nước đứng ra cùng nhà đầu tư tiến hành GPMB; dự án nhỏ, sản xuất, kinh doanh đơn thuần của các doanh nghiệp nhỏ thì doanh nghiệp đó phải tự thoả thuận GPMB. Từ đó, nảy sinh một thực tế là những doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng bồi thường GPMB với giá cao hơn quy định của Nhà nước để có thể có được mặt bằng sớm nhất. Còn các dự án của Nhà nước thì phải thực hiện theo đúng khung giá đã quy định. Do đó, sự chênh lệch về giá bồi thường đất đai, tài sản ở hai khu vực này đã tạo nên mâu thuẫn và gây trở ngại rất lớn cho công tác GPMB.

Một trong những vấn đề khó khăn của tỉnh trong GPMB đó là thiếu kinh phí. Chính điều này đã phần nào tạo ra rào cản khiến nhiều dự án, nhất là các dự án trọng điểm đến giờ vẫn đang dang dở. Điển hình nhất là dự án cải tạo, nâng cấp đường Cách mạng tháng Tám. Do kinh phí hạn chế, nên có đến đâu tiến hành bồi thường GPMB đến đó. Vì thế, việc GPMB tuyến đường này phải cắt khúc từng đoạn và kéo dài thời gian thực hiện bồi thường. Do đó, các hộ dân được bồi thường GPMB trước và những hộ được bồi thường GPMB sau có sự so sánh, thắc mắc, khiếu kiện tại sao khung giá bồi thường của Nhà nước vẫn không thay đổi trong khi giá cả thị trường có sự chênh lệch theo thời gian?

Một khó khăn nữa mà công tác GPMB của tỉnh đang mắc phải là việc xây dựng khu tái định cư trùng thời điểm với xây dựng dự án. Đúng quy trình thì khu tái định cư phải được thực hiện đầu tiên để ít nhất có cơ sở khẳng định tính khả thi của dự án và giúp các hộ dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng đến chỗ ở mới. Theo nhận định chuyên môn, từ trước đến nay chưa có một dự án nào trên địa bàn tỉnh thực hiện được điều này. Tâm lý chung của những hộ phải di dời đều muốn biết trước nơi ở mới của gia đình mình có đảm bảo. Chính dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thái Nguyên một thời gian dài gặp khó khăn trong GPMB cũng một phần là do điều này. Một trong những điều đáng lo ngại hiện nay là chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tế. Đa số cán bộ làm công tác GPMB ở cơ sở chưa qua đào tạo chuyên về lĩnh vực này và chủ yếu kiêm nhiệm. Cá biệt, một số cán bộ còn vì lợi ích cá nhân...

Luôn được xem là vấn đề nóng bỏng, phức tạp và liên quan đến nhiều tập thể, cá nhân, nên việc giải quyết những khó khăn trong GPMB chắc chắn vẫn còn là bài toán nan giải. Và bài toán đó chỉ có thể giải được khi có một tập thể đoàn kết, vững mạnh, một lòng vì công việc và lợi ích của nhân dân .