Thấy gì qua phiên giao dịch việc làm vắng khách?

10:40, 07/04/2008

Ngày 15-12-2007, Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên chính thức đăng đàn, chào đón các nhà tuyển dụng, người lao động đến tìm kiếm người làm, việc làm, cơ hội học nghề và ngay phiên khai trương đã thu hút trên 2.700 lao động động đến trực tiếp phỏng vấn. Nhưng tại phiên giao dịch cao điểm được tổ chức ngày 29-3 vừa qua, số doanh nghiệp, người lao động đến sàn đều rất vắng. Phải chăng người lao động Thái Nguyên không có nhu cầu tìm việc hay dịch vụ mới này hoạt động kém hiệu quả?

Thời gian qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, một số ngành liên quan của tỉnh đã có những hỗ trợ bước đầu nhằm giúp người lao động trên địa bàn tiếp cận với các đơn vị tuyển dụng để giải quyết việc làm. Trong đó, việc xây dựng Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên là một bước ngoặt, đánh dấu sự hiện đại hoá trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; quảng bá giúp doanh nghiệp về hình ảnh và nhu cầu tuyển dụng lao động. Trang website của Sàn giao dịch việc làm với địa chỉ http:www.vieclamthainguyen.vn đã cung cấp thông tin miễn phí 2 chiều của người lao động và nhà tuyển dụng. Với tính năng như vậy nên tại phiên giao dịch việc làm lần I, Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên đã thu hút 2.721 người đến tìm hiểu, nghe tư vấn; kết thúc phiên giao dịch có 579 lao động được tuyển dụng, 410 người đăng ký đi xuất khẩu lao động, 252 người được tuyển dụng đào tạo nghề.

Khác với phiên giao dịch lần I, tại phiên giao dịch cao điểm ngày 29-3 chỉ tiêu các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề đăng ký tuyển dụng lên đến trên 5.000 người. Nhưng kết thúc phiên giao dịch, số lao động đăng ký tuyển dụng các hệ chỉ có 400 người. Ông Lê Văn Hợi, cán bộ của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Minh Đức (Hà Nội) cho biết: Tôi đã đi tuyển lao động tại các sàn giao dịch việc làm của một số tỉnh như Hà Nội, Hải Dương thấy người lao động đến sàn rất đông. Còn tại Sàn giao dịch việc làm Thái Nguyên, số lao động đến quá ít và số lao động có trình độ là rất hạn chế.

Giải thích với chúng về phiên giao dịch trầm lắng vừa qua, ông Phạm Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động Thương Binh và Xã hội) - đơn vị được tỉnh giao quản lý, vận hành Sàn giao dịch việc làm cho biết: Do điều kiện của Trung tâm còn khó khăn, kinh phí tuyên truyền cho sàn giao dịch việc làm không nhiều nên có thể, người lao động doanh nghiệp ít thông tin về phiên giao dịch cao điểm này...

Còn một số người đang có nhu cầu về việc làm lại e sợ với những thông tin tuyển dụng qua mạng Internet nên họ đề cao cảnh giác. Thêm vào đó, vẫn chưa có một cơ quan Nhà nước của tỉnh nào đứng ra bảo lãnh hoặc chí ít cũng cung cấp thông tin chính xác về doanh nghiệp trước khi người lao động ký kết hợp đồng lao động.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 người đến tuổi lao động, do đó, vấn đề giải quyết việc làm rất cần thiết và nên tăng cường mạnh hơn nữa. Sàn giao dịch việc làm vẫn sẽ là một kênh hữu hiệu nối các doanh nghiệp với người lao động để giải quyết bài toán về việc làm. Bởi vậy, vấn đề này các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư.