Chương trình 135 giai đoạn 2: Hướng đầu tư tới tận xóm, bản

08:34, 19/05/2008

Ở giai đoạn 1, Chương trình 135 chỉ tập trung đầu tư tới cấp xã (chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng) thì giai đoạn 2 (2007-2010) lại hướng toàn bộ đầu tư tới tận xóm, bản. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 sẽ bó hẹp lại để dành kinh phí cho hỗ trợ sản xuất, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, cải thiện đời sống dân sinh...

Giai đoạn 1, Thái Nguyên có 52 xã được hưởng Chương trình 135. Kết thúc giai đoạn này có 11 xã đã hoàn thành các mục tiêu chương trình đề ra và “xoá tên” khỏi danh sách những xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2, toàn tỉnh còn 44 xã 135 (thêm 3 xã mới được công nhận), trong đó Định Hoá có 17 xã, Võ Nhai 11 xã, Đại Từ 11 xã, Phú Lương 3 xã và Đồng Hỷ 2 xã. Nguồn kinh phí dành cho cả giai đoạn là khoảng 300 tỷ đồng, trong khi đó giai đoạn 1 là 210 tỷ đồng. Trung bình mỗi xã được tiếp nhận 1,1 tỷ đồng/năm để đầu tư vào các mục tiêu đề ra. Nguồn vốn trình tự được thông qua HĐND các cấp, sau đó phân bổ tới các địa phương, các xã lần lượt được làm chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành giai đoạn 2 của Chương trình 135 vào năm 2010, Ban Dân tộc của tỉnh đã xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu của cả giai đoạn. Theo đó, về đầu tư phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2010, các xã 135 đều phải có trên 70% số hộ có thu nhập 3,6 triệu đồng/người/năm (tương ứng với 300 nghìn đồng/người/tháng); giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống dưới 30%. Nếu so với mặt bằng chung của tỉnh (12 triệu đồng/người/năm) thì thu nhập bình quân đầu người của các xã 135 là quá thấp, nhưng như vậy vẫn được xem là nhỉnh hơn so với mục tiêu mà TW đưa ra (3,5 triệu đồng/người/năm).

Hiện tại tỉnh ta còn nhiều xã 135 có mức thu nhập bình quân dưới 3,5 triệu đồng/người/năm: Huyện Võ Nhai còn xã Vũ Chấn với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng; huyện Phú Lương còn xã Yên Trạch 2,2 triệu đồng, Yên Ninh 2,7 triệu đồng, Hợp Thành 2,75 triệu đồng; huyện Định Hoá còn xã Phú Đình 3,1 triệu đồng, Điềm Mặc 2,2 triệu đồng... Về tỷ lệ hộ nghèo, vẫn còn một số xã 135 có tới trên 50% thuộc diện nghèo. Đây là một trong những mục tiêu khó thực hiện nhất của giai đoạn này.

Về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, mục tiêu đề ra đến năm 2010, 100% thành viên Ban giám sát xã được tập huấn kiến thức và tham gia giám sát hiệu quả; trên 70% số người có độ tuổi từ 16-25 được tham gia đào tạo nghề ngắn hạn; trên 95% học sinh tiểu học, 75% học sinh THCS trong độ tuổi được đến trường; trên 95% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được giúp đỡ miễn phí; năng lực cộng đồng và cán bộ thôn, bản được nâng cao để có điều kiện tham gia vào việc giám sát hoạt động đầu tư và các hoạt động khác trên địa bàn...

Về mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, đến năm 2010 có 100% hộ nghèo được hỗ trợ các dịch vụ công, chính sách xã hội; người dân có khả năng và kinh nghiệm lồng ghép các chương trình, dự án và hợp tác sản xuất; 100% xã có trên 80% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Riêng mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ không dành vốn cho công trình cấp xã mà tập trung cho công trình tại xóm, bản như: Trên 80% số xã có đường giao thông (cho xe gắn máy trở lên) tới tất cả các thôn, bản (hiện có 10/44 xã chưa đạt mục tiêu này); trên 80% số xã có công trình thuỷ lợi nhỏ, đủ năng lực tưới cho 85% diện tích trồng lúa nước (còn 684 km kênh mương chưa kiên cố); 100% xã có từ 80% thôn bản trở lên có điện ở cụm dân cư (còn 13 xã chưa đạt mục tiêu này); 100% xã có 60% số xóm trở lên có nhà sinh hoạt cộng đồng (còn 29 xã chưa đạt)...

Thời gian thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình 135 chỉ còn hơn 2 năm. Do vậy, ngoài việc bám sát lộ trình kế hoạch thực hiện mà Ban Dân tộc tỉnh xây dựng, đòi hỏi các ngành, các địa phương liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các chương trình lồng ghép, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả.