Gian nan “cuộc chiến” bảo vệ rừng

14:54, 15/05/2008

Từ nhiều năm nay ''cuộc chiến'' bảo vệ rừng ở Võ Nhai vẫn gặp không ít gian nan. Lực lượng kiểm lâm đã thực sự vào cuộc mạnh mẽ, song tình trạng chặt phá rừng ở một huyện có tới hơn 56.600ha rừng, trong đó nhiều diện tích rừng gỗ quý vẫn chưa nguội...

Ngày 13-5 vừa qua, tại địa bàn xã Thần Sa, lực lượng kiểm lâm Võ Nhai đã phát hiện và tổ chức truy quét một nhóm đối tượng dùng cưa máy chặt phá rừng. Khi phát hiện thấy có lực lượng chức năng, các đối tượng đã quay lại chống trả quyết liệt. Đối tượng Triệu Xuân Toàn, sinh năm 1977, trú tại xóm Suối Bén, xã Yên Ninh (Phú Lương) đã liều lĩnh dùng cưa máy đánh vào chân, đầu của các chiến sỹ kiểm lâm. Sau khi áp sát đối tượng, lực lượng chức năng đã buộc Triệu Xuân Toàn bỏ cưa và bắt đối tượng này về Công an huyện để điều tra, xử lý.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các đối tượng chặt phá rừng chống trả lại lực lượng kiểm lâm. Các đối tượng này thường ngang nhiên chặt phá rừng vào ban ngày và tổ chức vận chuyển vào ban đêm. Mỗi lần vào truy quét, lực lượng kiểm lâm lại bị các đối tượng tổ chức cản đường bằng cách đặt chông làm thủng lốp xe, ném đá vỡ kính xe... Có trường hợp các đối tượng còn kéo ra rất đông để cướp lại gỗ khai thác trái phép đã bị lực lượng kiểm lâm thu giữ.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa qua, Hạt kiểm lâm Võ Nhai đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã tổ chức đợt cao điểm truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn. Hạt đã bố trí lực lượng chia làm bốn tổ tập trung truy quét các đối tượng ở 4 xã phía Bắc của huyện là: Thần Sa, Thượng Nung, Nghinh Tường và Sảng Mộc. Chỉ trong hai ngày tổ chức truy quét (10 và 11-4- 2008) lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 14 vụ vi phạm Lâm luật, thu giữ gần 7,6m3 gỗ nghiến xẻ các loại, thu giữ 2 cưa máy, 1 khẩu súng kíp. Tổng giá trị lâm sản thu về cho Nhà nước khoảng 50 triệu đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2008, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cũng đã xử lý 132 vụ vi phạm Lâm luật, trong đó có 116 trường hợp mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Võ Nhai là một huyện vùng cao, có diện tích rừng rất lớn, địa hình phức tạp, giáp ranh với nhiều tỉnh nên vấn đề quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở đây đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hai cơ quan tham gia bảo vệ rừng là Hạt Kiểm lâm Võ Nhai và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn theo đúng chức năng lại chỉ thuộc biên chế của Hạt kiểm lâm. Vì thế, lực lượng kiểm lâm bám sát địa bàn còn mỏng. Tuy vậy, Hạt kiểm lâm Võ Nhai vẫn cố gắng khắc phục khó khăn duy trì mỗi xã có một kiểm lâm viên theo dõi, phụ trách.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Hạt kiểm lâm Võ Nhai thường xuyên phải phối hợp tổ chức các đợt truy quét, nhưng kinh phí dành cho nhiệm vụ này còn rất hạn chế. Cùng với đó, kinh phí dành cho việc bốc dỡ và vận chuyển lâm sản khai thác trái phép về Hạt để xử lý cũng rất khó khăn. Ngoài những khó khăn trên, điều mà lực lượng kiểm lâm trăn trở nhất chính là sự vào cuộc chưa thật sự trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hầu hết các vụ phá rừng đều do lực lượng kiểm lâm trực tiếp vào bắt giữ và xử lý. Theo quy định, khi phát hiện thấy trường hợp phá rừng, chính quyền cấp xã có trách nhiệm bắt giữ đối tượng, tịch thu tang vật, chuyển vụ việc cho lực lượng kiểm lâm và các lực lượng chức năng xử lý. Gần đây nhất là vụ thu giữ trên 3m3 gỗ nghiến tại xã Thượng Nung. Chính quyền xã này đã không thực sự trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm, nên đã gây nhiều khó khăn trong xử lý vụ việc trên.

Qua đây có thể nhận thấy, nhiệm vụ bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm Võ Nhai còn khá nặng nề. Theo chúng tôi, không có giải pháp nào hữu hiệu hơn việc tất cả phải cùng vào cuộc, trong đó lực lượng kiểm lâm, chính quyền cấp xã là nòng cốt, người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh cho cuộc sống.