Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi: Không xử lý sớm sẽ là vấn đề nóng ở nông thôn

16:17, 27/05/2008

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Những trang trại này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là hầu hết trang trại chăn nuôi đang nằm trong khu dân cư nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh…

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Công được đánh giá là một mô hình điểm trong hoạt động kinh doanh, bởi thành viên Ban Chủ nhiệm và các xã viên đều là những sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp. Mô hình trang trại nuôi lợn hướng nạc của HTX này đã được nhiều người đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Song, trang trại của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Công lại đang là điểm nóng về môi trường, khiến người dân sống xung quanh nhiều lần có đơn thư đề nghị các cấp, ngành xử lý. Và mới đây, lãnh đạo UBND T.X Sông Công đã phải có văn bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định cấm trang trại này hoạt động.

Không chỉ có HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Công bị người dân địa phương kiện vì gây ô nhiễm môi trường mà tại T.P Thái Nguyên cũng có 2 chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở phường Quang Vinh và xã Tân Cương bị kiện vì vấn đề này. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 35 trang trại gia cầm, 50 trang trại nuôi lợn và 13 trang trại nuôi bò. Trong số các trang trại nêu trên có rất nhiều trang trại đang nuôi tới 8.000 gia cầm/lứa hoặc từ 100 tới 300 con lợn/lứa. Dó đó, lượng nước thải, chất thải của các trạng này thải ra lên tới vài tấn/ngày. Để xử lý chất thải, nước thải, hầu hết các chủ trạng đã xây dựng bể khí bioga và chăn nuôi thêm thuỷ sản. Tuy nhiên, do lượng chất thải quá lớn, trong khi khả năng sử dụng chất thải có hạn khiến môi trường tại các trang trại chăn nuôi gia súc, giam cầm đang bị ô nhiễm.

Nguyên nhân chủ quan dẫn tới ô nhiễm môi trường tại nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm là do các địa phương trong tỉnh chưa có quy hoạch vùng về chăn nuôi; các trang trại xây dựng ngay trong khu dân cư. Thêm nữa, các chủ trang trại không tính hết được vấn để xử lý chất thải nên xây bể biôga có khối lượng nhỏ và sau một vài năm đã quá tải. Trang trại chăn nuôi trên địa bàn hầu hết là do các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi "đỡ đầu" nên họ chỉ khuyến khích chủ trang trại tăng số lượng vật nuôi nhằm tiêu thụ cám chứ ít trú tâm đến vấn đề xử lý môi trường. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giúp đỡ về kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường cho các chủ trang trại của các cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện thường xuyên, một số địa phương còn bỏ ngỏ vấn đề này.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nêu trên, những ngành liên quan của tỉnh nên sớm trợ giúp các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm về quy trình xử lý môi trường, hỗ trợ một phần vốn, hóa chất để các chủ trang trại xử lý chất thải, nước thải hàng ngày. Tiếp đến là cần quy hoạch vùng chăn nuôi, có cơ chế để di chuyển các trang trại ra xa khu dân cư. Làm được như vậy thì gần 100 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn mới phát triển bền vững, hạn chế những tác động không tốt của các trang trại này với xã hội.