Tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để vượt qua khó khăn trước mắt.

17:05, 07/05/2008

Chiều 6-5 (ngày làm việc thứ nhất của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ với ĐBQH các đoàn Hậu Giang và Thừa Thiên- Huế về một số vấn đề quan trọng.

Theo đó, các vấn đề được đưa ra thảo luận là đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2007; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2008 và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006. Trong nhóm vấn đề này thì giải pháp kiềm chế lạm phát và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước là những vấn đề các ĐBQH rất quan tâm.

1. Đại biểu Nông Đức Mạnh:

Thời gian qua, thời cơ, thuận lợi của ta là rất lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ; việc dự báo không sát và việc chỉ đạo, điều hành còn bị động, lúng túng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiên trì mục tiêu là đến năm 2010 đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Vấn đề lạm phát có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do buông lỏng quản lý và điều hành lúng túng. Nói như vậy cũng đúng nhưng không phải là tất cả. Vì nền kinh tế của ta là nền kinh tế nhỏ, chưa bền vững nhưng phải chịu tác động của cuộc suy thoái toàn cầu. Những quốc gia có nền kinh tế mạnh trên thế giới cũng không tránh khỏi, cũng bị lúng túng và chưa lường hết những diễn biến. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ thuộc về Chính phủ. Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm nhưng cả hệ thống chính trị cũng phải thấy trách nhiệm, cùng phải nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá và cùng đề ra giải pháp khắc phục.

Tôi nhất trí với ý kiến các ĐBQH đã nêu, đề nghị Chính phủ điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 là khoảng 7%; củng cố vai trò chủ đạo của các thành phần kinh tế Nhà nước trong việc bình ổn giá, kiềm chế lạm phát; xem xét lại cơ cấu đầu tư phát triển công nghiệp và nông nghiệp, rà soát lại các cụm công nghiệp và việc phát triển các sân golf…

Những ý kiến phản ảnh và kiến nghị về nông thôn, nông nghiệp và nông dân là rất đúng. Sắp tới, Ban Chấp hành TW sẽ kiểm điểm, đánh giá và đề ra chủ trương, chính sách để tăng cường đầu tư nhiều mặt cho lĩnh vực quan trọng này.

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển của đất nước, khó khăn của ta hiện nay là khó khăn trong thế phát triển chứ không phải là khó khăn trong sự bế tắc. Thế và lực của nước ta ngày nay đã khác. Tạo được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thì chúng ta hoàn toàn đủ sức vượt qua khó khăn trước mắt...

2. Đại biểu Nguyễn Văn Vượng:

Về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008, tại kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2007), các ĐBQH đã có nhiều ý kiến: Một số ý kiến cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng từ 8,5% đến 9% là cao; ngược lại một số ý kiến cho rằng không đặt chỉ tiêu tăng trưởng 9% là Chính phủ quyết tâm chưa cao. Cuối cùng Quốc hội biểu quyết là từ 8,5% đến 9%. Như vậy, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chưa phù hợp còn là trách nhiệm của Quốc hội chứ không chỉ riêng Chính phủ. Nay vì những lý do chủ quan và khách quan cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế để góp phần kiềm chế lạm phát thì đó cũng là việc bình thườngng và cần thiết.

Về những vấn đề nổi cộm như lạm phát tăng cao, trượt giá, nhập siêu, sự bất ổn của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản có nguyên nhân là vai trò chủ đạo của các thành phần kinh tế Nhà nước chưa rõ và chưa tốt. Ví dụ: Khi cần bán thép ra thì không bán mà giữ hàng lại; là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng lại bị xôn xao về giá gạo do tác động của những thông tin thất thiệt… Đó là những vấn đề phải rút kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành kinh tế.

Tôi kiến nghị: Đối với những mặt hàng là thế mạnh mà nước ta chủ động được như gạo, cà phê, dầu thô… thì phải tích cực tiếp cận thị trường thế giới về sản lượng, giá cả và tích cực đầu tư phát triển sản xuất. Nhất là đầu tư và hỗ trợ cho nông thôn, nông nghiệp và nông dân để đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, đảm bảo nhu cầu trong nước, tăng xuất khẩu và cải thiện đời sống cho nông dân... Có chiến lược và thực hiện tốt chiến lược năng lưọng và tài nguyên khoáng sản. Tính toán hàng năm xuất khẩu bao nhiêu than và dầu thô là vừa; chấn chỉnh việc quản lý tài nguyên khoáng sản trong cả nước, kiên quyết không xuất khẩu thô khoáng sản; khắc phục tình trạng những địa phương có khoáng sản lại phải chịu nhiều khó khăn, phức tạp như ô nhiễm môi trường, hỏng đường và có khi hư hỏng cán bộ.

Về quản lý điều hành ngân sách, nhất trí kiến nghị của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH là phải cải tiến việc giao chỉ tiêu ngân sách cho các địa phương theo hướng giao thêm quyền và trách nhiệm cho các cấp ngân sách địa phương, cơ chế bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Đồng thời khắc phục tình trạng vay vốn nước ngoài về để phát triển KT-XH nhưng số dư ngân sách chuyển sang năm sau còn nhiều như nông dân vay vốn xoá đói giảm nghèo nhưng cất tiền trong tủ để phải chịu lãi suất tiền vay...

3. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng:

Ngoài những tác động xấu, qua thực trạng lạm phát tăng cao cũng là dịp để thấy rõ những yếu kém trong công tác dự báo, điều hành nền kinh tế và cũng là thời cơ để khắc phục những yếu kém. Lạm phát là do đầu tư nước ngoài tăng cao nhưng chưa có chính sách thích hợp để xử lý kịp thời (mà lại tung VND ra để thu hút USD). Việc điều hành kinh tế có nhiều yếu kém, thiếu sót như đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và chưa kiểm soát được thất thoát, lãng phí. Về thời cơ và giải pháp, trong lúc thế giới khó khăn về lương thực, phát huy lợi thế của đất nước, đề nghị Chính phủ chỉ đạo chiếm lĩnh thị trường gạo và hỗ trợ nông dân về nhiều mặt để đẩy mạnh sản xuất lúa gạo...

4. Đại biểu Nguyễn Văn Thời:

Nhập khẩu có nhiều loại như nhập thiết bị, nhập nguyên liệu và nhập hàng tiêu dùng. Nhập khẩu thiết bị máy móc là đưa vào tài sản cố định, nhập nguyên liệu là tạm nhập tái xuất nên không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần làm rõ cơ cấu, tỷ lệ nhập khẩu hàng tiêu dùng để có giải pháp khắc phục lạm phát tăng cao do nhập siêu.

Về nguyên nhân tài chính, tiền tệ: Năm 2007, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất cao và Chính phủ tăng dự trữ ngoại tệ. Trên thị trường thừa USD và USD xuống giá. Các ngân hàng thương mại thi nhau tăng lãi suất tiền gửi để thu hút tiền VND. Trong tình hình đó, nếu việc tăng dự trữ ngoại tệ và thu hút vốn có kế hoạch và có lộ trình thích hợp thì cũng góp phần hạn chế lạm phát. Việc quản lý tỷ giá hối đoái của VND cũng là vấn đề rất quan trọng. Do tỷ giá hối đoái của VND tăng so với USD nên xuất khẩu khó khăn, thua lỗ. Nếu như Chính phủ quản lý chặt tỷ giá hối đoái của VND thì cũng có tác dụng kiềm chế lạm phát.