Thái Nguyên tham gia giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh “tai xanh” trên đàn lợn

05:03, 03/05/2008

Sáng 4-5, 10 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thừa thiên- Huế, Lâm Đồng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thái Nguyên đã tham gia giao ban trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh “tai xanh” trên đàn lợn. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải điều hành buổi giao ban tại điểm cầu Hà Nội.

Tham gia buổi giao ban còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Điểm cầu Thái Nguyên được đặt tại Chi nhánh VIETTEL Thái Nguyên. Đồng chí Đàm Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là người trực tiếp phát ngôn về tình hình dịch bệnh “tai xanh” trên lợn của tỉnh.

Tại buổi giao ban, các tỉnh đã báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh “tai xanh” trên lợn. Đối với Thái Nguyên, dịch bệnh này bùng phát từ ngày 17-4 tại huyện Phú Bình. 10 ngày sau dịch phát ở huyện Võ Nhai. Tính đến ngày 3-5-2008 dịch bệnh phát tại 17 xã, 61 xóm, 335 hộ, với 1.779 con lợn được phát hiện mắc bệnh và toàn bộ số lợn này đã được tiêu hủy, tổng khối lượng là 80.123 kg. Trong đó Phú Bình 332 hộ, 59 xóm, 16 xã, 1.762 con lợn. Huyện Võ Nhai 3 hộ, 2 xóm, 1 xã (Bình Long) và 17 con lợn. Nguyên nhân phát sinh dịch ra diện rộng do buôn bán, vận chuyển lợn mắc bệnh, do bán chạy lợn ở vùng dịch.

UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh “tai xanh” ở lợn. Hiện, đã thành lập 4 chốt kiểm dịch cấp tỉnh và 19 chốt kiểm dịch cấp huyện, 8 chốt kiểm dịch cấp xã, trực 24/24h.

Đối với các huyện chưa xảy ra dịch tổ chức ngay hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh là do địa bàn miền núi rộng, chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán nên khó quản lý dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống. Chưa có lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chưa có trạm kiểm dịch nội địa và khu vực cách ly kiểm dịch. Nhiều chủ nuôi, chủ giết mổ chưa tự giác chấp hành quy định về phòng, chống dịch, công tác khai báo chậm, còn giấu diếm giữ lợn lại điều trị...

Theo thống kê, số lợn mắc dịch bệnh “tai xanh” chiếm gần 1% tổng đàn lợn của cả nước. Các tỉnh đều có chung kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT có giải pháp về tiêu hủy lợn bệnh, cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khôi phục đàn lợn, giải quyết đàn lợn đến lứa nhưng không bị dịch trong vùng dịch, báo an như thế nào, hỗ trợ thêm kinh phí, phương tiện, hóa chất, bình bơm, yêu cầu tiêm vắc xin bắt buộc như thế nào, nghiên cứu sản xuất vắc xin, lò tiêu hủy tập trung...

Phát biểu kết luận buổi giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Từ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch mà các địa phương đưa ra tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp thu, có biện pháp triển khai có hiệu quả; các địa phương cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh quyết liệt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Những địa phương chưa có dịch tăng cường tuyên truyền, kiểm soát, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống nếu xảy ra dịch. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu các biện pháp bảo vệ đàn lợn giống cũng như sản xuất các loại vắc xin.

Về vấn đề bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài nguyên-Môi trường kiểm tra việc xử lý chôn lấp đàn lợn dịch, đề xuất các giải pháp khắc phục lâu dài để đảm bảo vệ sinh môi trường. Với những hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch, Chính phủ giao cho Ngân hàng có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, cho vay tiếp để phát triển chăn nuôi. Còn các địa phương trong khi chờ nguồn tiền của TW chuyển về, huy động các nguồn lực hỗ trợ trước cho nông dân, các xã phòng, chống dịch. Chiến lược chăn nuôi cần tiến hành căn cơ, dài hạn, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp. Cần nêu cao tính tự giác, gắn chặt trách nhiệm của người chăn nuôi mới kiểm soát được dịch bệnh và sống lâu dài, bền vững với dịch bệnh.