Chuẩn nghèo chưa “chuẩn”

14:03, 02/06/2008

Quy định về chuẩn nghèo, thu nhập 200.000 đồng/người ở nông thôn và 260.000 đồng/người ở thành thị, (được nhà nước ban hành năm 2006, dự kiến thực hiện đến 2010 xem ra nay đã lạc hậu, nhất là khi người dân đang phải đối mặt với bão giá, lạm phát tăng cao... Phải chăng chuẩn nghèo mới chỉ là danh nghĩa ?

Những bất cập của chuẩn nghèo

Mức chuẩn nghèo được Chính phủ phê duyệt có lộ trình thực hiện trong 5 năm (từ năm 2006-2010), là căn cứ để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống còn 10-11% năm 2010. Sau hai năm thực hiện, theo số liệu mới nhất từ Bộ LĐ-TBXH, nước ta còn khoảng 2,8 triệu hộ nghèo (chiếm 14,7% tổng số hộ dân cả nước), tập trung chủ yếu ở nông thôn. Khi mới ban hành, về cơ bản chuẩn nghèo này “phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức sống của người dân, tiếp cận dần phương pháp xác định chuẩn nghèo khu vực và thế giới”. Tuy nhiên, dù lúc xây dựng và ban hành đã tính tới các yếu tố trượt giá (mức bình quân 7-8%), tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng tiền lương... nhưng hiện tại chuẩn này đang lạc hậu do tốc độ lạm phát tăng cao.

Năm 2007, theo Tổng cục Thống kê, lạm phát là 12,6%. Còn theo tính toán từ các nhóm nghiên cứu, với tốc độ tăng giá như cuối năm 2007 và đầu năm 2008 (19% với mặt hàng lương thực, thực phẩm và 6% với các mặt hàng phi lương thực) thì để cung cấp 2.100 kcalo/người/ngày một người ở thành thị cần tối thiểu 383.000 đồng/tháng, ở nông thôn cần 310.000 đồng. Với mức lạm phát hiện nay, tuy thu nhập danh nghĩa của người nghèo tăng và có thể vượt qua chuẩn nhưng mức sống của họ không tăng. Một ví dụ cụ thể cho thấy rõ điều đó : thời điểm nhà nước ban hành chuẩn nghèo trên, 200.000 đồng có thể mua được 30 kg gạo nhưng đến nay cũng với số tiền ấy chưa mua nổi 20 kg. Rõ ràng, mức chuẩn này được thực hiện trong một lộ trình dài (5 năm), khi tình hình kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng còn nhiều biến động, là thiếu thực tế.

Chuẩn và mục tiêu giảm nghèo sẽ được điều chỉnh ?

Trong Quyết định số 170/QĐ-TTg, việc ban hành chuẩn nghèo chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh chuẩn khi lạm phát vượt qua 2 con số. Vừa qua, Bộ LĐ-TBXH đã nghiên cứu trình Chính phủ đề nghị cho phép điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, bù trượt giá để đảm bảo chính sách trợ giúp cho người nghèo.

Nhiều năm nay, đã có rất nhiều chương trình thực hiện xóa nghèo như 6 chính sách hỗ trợ người nghèo về vay vốn tín dụng, đất sản xuất, nhà ở, y tế, giáo dục và nước sinh hoạt, triển khai 5 dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng khuyến nông-lâm-ngư, nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề và triển khai kỹ thuật... Có thể thấy, Nhà nước đưa ra quá nhiều chính sách hỗ trợ và có lẽ điều đó đã góp phần tạo cho một số người nghèo tính ỷ lại và phó mặc cho số phận. Vì người nghèo thường không có nghề nghiệp ổn định, chưa có kinh nghiệm làm ăn, ít chịu khó tiếp thu khoa học kỹ thuật, đa số có trình độ văn hóa thấp, chưa có kinh nghiệm tích lũy... Đây được coi là những trở ngại lớn nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Thế nên khi chuẩn nghèo được điều chỉnh thì nhà nước nên có những chính sách mang tính tác động trực tiếp hơn. Ví như khi người nghèo vay vốn tín dụng thì phải có phương án cụ thể cho họ sản xuất chứ không chỉ đưa tiền để họ tự làm, tự tiêu, cuối cùng cuộc sống không được cải thiện mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chúng ta đang nghĩ thay cho người nghèo, hỗ trợ họ nhưng chưa quan tâm xem họ cần gì. Một vấn đề cần quan tâm khi điều chỉnh chuẩn nghèo là theo chuẩn hiện hành, có một số hộ thuộc diện thoát nghèo nhưng nếu xây dựng mức chuẩn mới thì họ lại rơi xuống dưới chuẩn. Khi đó, số người thuộc diện nghèo sẽ tăng, kéo khoản chi phí hỗ trợ từ ngân sách tăng theo.

Khi chuẩn nghèo được điều chỉnh thì câu hỏi được đặt ra liệu nước ta có đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ người nghèo xuống 10% vào năm 2010? Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII đã đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 11-12%. Tuy nhiên mục tiêu đó được đặt ra trong điều kiện mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,5-9%, lạm phát phải thấp hơn mức tăng trưởng. Nhưng hiện nay, Quốc hội đã điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế năm 2008 chỉ còn 7% và theo dự báo, tỷ lệ lạm phát từ nay đến cuối năm là khoảng 22%. Trong điều ấy, khả năng thoát nghèo với người nghèo sẽ càng khó khăn hơn, lại thêm những tác động của thiên tai nên số lượng tái nghèo sẽ rất lớn. Vì vậy, Bộ LĐ -TBXH đang đề nghị điều chỉnh mục tiêu giảm nghèo năm 2008 xuống còn khoảng 13% và phấn đầu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 10%. Đồng thời, Bộ này cũng đang khảo sát để điều chỉnh chuẩn nghèo và nếu có thể chuẩn mới sẽ được áp dụng từ năm 2009.