Hoành tráng, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc

23:08, 02/06/2008

* 60 đoàn nghệ thuật thuộc 23 quốc gia ở 4 châu lục tham dự* 4 lễ hội mới được tái hiện tại Festival 2008* 19 Đại sứ và các Tham tán tuỳ viên các nước tham dựĐúng 20 giờ ngày 3-6, Festival Huế đã chính thức khai mạc, với nghi thức Lễ hội hoành tráng, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Đến dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số tỉnh phía Bắc, miền Trung và miền Nam. Đặc biệt có 19 Đại sứ và các Tham tán tuỳ viên các nước tham dự…Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên tham dự Festival lần này do đồng chí Trịnh Thị Cúc, Uỷ viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.

 Mở đầu đêm khai mạc là chương trình “Đêm hoàng cung”, do NSDN Lê Ngọc Cường làm tổng đạo diễn, được biểu diễn ngay trước Quảng trường Ngọ Môn. “Đêm hoàng cung” là một chương trình nghệ thuật đặc sắc tôn vinh các giá trị văn hoá độc đáo của Huế. Hoàng cung Huế xưa được tái hiện giữa không gian trải rộng trên diện tích 36 nghìn mét vuông của Đại Nội Huế trong ánh sáng lung linh, huyền ảo, với Dạ Yến, Tiệc Cung Đình, các trò chơi cung đình Huế, nghệ thuật thơ Huế… Đêm hội hoàng cung là di sản, là khúc dạo đầu, điểm nhấn của đêm khai mạc. Bên cạnh đó là các tiết mục văn hóa nghệ thuật Việt, Hàn, Trung, Bỉ, Nga… cũng được các nghệ sĩ thể hiện.
Có thể nói, chương trình khai mạc năm nay ấn tượng bởi sự phong phú của các dòng văn hóa. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa diễn viên và người xem được rút ngắn nhờ cách bố trí lực lượng minh hoạ ở các tiết mục phía dưới sân khâu. Văn hóa Huế - Việt Nam được thể hiện bằng những bài hát múa truyền thống sinh động, mạnh mẽ; vũ điệu Yotsudake - Nhật tạo cảm giác sâu lắng; đoàn cà kheo Bỉ tạo nên sự phấn khích và hồi hộp… tất cả làm nên một bữa đại tiệc văn hóa - nghệ thuật đầy sắc màu của từng dân tộc.
Trước đó, chúng tôi có mặt ở khu trung tâm từ rất sớm, từng dòng người từ khắp nơi trong Thành phố Huế nhộn nhịp theo các con đường Lê Lợi, Hà Nội… đổ về Đại Nội. Tuy chưa đến giờ khai mạc, nhưng tất cả các chỗ ngồi đều chật. Người dân Huế rất tự hào về Huế, tự hào về những nét văn hoá truyền thống được lưu giữ. Tiếng pháo hoa báo hiệu cho lễ khai mạc Festival Huế bừng sáng trên bầu trời. Huế đã trở thành thành phố Festival của cả nước. Cũng chính từ hôm nay, theo định kỳ, Cố đô Huế sẽ mở rộng vòng tay đón bạn bè khắp nơi về chung vui với những chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trịnh Thị Cúc nói: “Festival Huế không chỉ của riêng Huế mà là của cả nước. Festival Huế đang trên đường mở rộng hội nhập với các nền văn hoá trên thế giới. Cố đô Huế nổi tiếng với các di tích, danh thắng là di sản văn hoá thế giới, qua các kỳ Festival, một lần nữa văn hoá dân tộc, văn hoá Huế được bảo tồn, tôn vinh. Cũng như Huế, Thái Nguyên đã từng là Thủ đô kháng chiến, ở vùng đất có nhiều nét văn hoá đặc sắc riêng, như hát Si, Lượn, đàn then… Tuy nhiên, qua Festival Huế cho ta thấy, Thái Nguyên cũng cần có nhiều hoạt động, nhiều hình thức khác nhau nhằm khơi dậy giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống của vùng Việt Bắc…”
Suốt 9 ngày đêm, Cố đô Huế sẽ rộn ràng trong không khí giao lưu văn hóa. Ngoài các chương trình lễ hội đã được tổ chức thành công các năm trước, Festival năm nay có thêm 4 lễ hội mới được dàn dựng công phu: Lễ thi Tiến sĩ võ, Lễ tế xã tắc, Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung và Huyền thoại sông Hương. Với sự hội tụ đông đủ và đầy nhiệt huyết của 60 đoàn nghệ thuật, hơn 1.500 nghệ sỹ đến từ 23 quốc gia thuộc 4 châu lục, Festival lần này là một lễ hội văn hóa - du lịch lớn hấp dẫn và ấn tượng.