Sáng 14/6/2008, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng được cử hành trọng thể.
Thi hài đồng chí Võ Văn Kiệt đặt trong quan tài phủ cờ Tổ quốc, được quàn ở vị trí trang trọng nhất. Trên nền phông đen có cờ Tổ quốc viền băng đen, phía dưới là ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt và dòng chữ trắng nổi bật “Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng”.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đúng 8 giờ lễ viếng bắt đầu. Đầu tiên là Đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm Trưởng đoàn cùng các vị: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm... đặt vòng hoa viếng đồng chí Võ Văn Kiệt.
Trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ”, sau phút tưởng niệm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu, tiễn biệt đồng chí Võ Văn Kiệt, và đến chia buồn với gia đình, thân nhân đồng chí Võ Văn Kiệt.
Với tình cảm kính trọng, tưởng nhớ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trân trọng ghi vào sổ tang: “ Vô cùng thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt, người Đảng viên cộng sản mẫu mực, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trọn cuộc đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Suốt gần 70 năm hoạt động Cách mạng sôi nổi và phong phú của mình, trên nhiều cương vị lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, trong thời chiến cũng như trong hoà bình, được trui rèn trong đấu tranh Cách mạng với bản lĩnh Cách mạng và sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn và xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Đồng chí là tấm gương trong sáng và mẫu mực về đạo đức Cách mạng của người chiến sĩ Cộng sản, là người con thân yêu của đất nước và của nhân dân ta. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến đồng chí Võ Văn Kiệt- Anh Sáu Dân kính mến”.
Tiếp đó, Đoàn đại biểu Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm làm Trưởng đoàn vào viếng.
Trong sổ tang, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “... Ở Anh, một tầm nhìn chiến lược, một tư tưởng lớn, một tấm lòng bao dung, một tính cách tự tin, quyết đoán... một tính cách VÕ VĂN KIỆT...”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “... Việt Nam sẽ luôn tự hào về Thủ tướng Võ Văn Kiệt...”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “... Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế”.
Sau đó, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các đoàn đại biểu Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an, thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và tỉnh Vĩnh Long- quê hương của đồng chí Võ Văn Kiệt, cùng hàng trăm đoàn đại biểu của các Ban của Đảng, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo ở Trung ương, địa phương, bạn bè, đồng chí, đồng bào, một số đoàn ngoại giao, lần lượt đặt vòng hoa kính viếng và chia buồn cùng gia quyến.
Lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được cử hành tới 8giờ 30 phút sáng 15/6/2008.
Mở đầu là Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ do các đồng chí: Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu vào viếng.
Tiếp theo đoàn đại biểu các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố ở phía Bắc; Đại sứ các nước, trưởng đại diện một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Đến viếng còn có nhiều vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng tham gia hoạt động với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tất cả những người đến viếng đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và đánh giá cao những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới. Ấn tượng về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người lãnh đạo quyết đoán, sáng tạo trong tổ chức thực hiện còn in đậm với ông Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 7. Ông Vũ Oanh nói: “Tôi đánh giá cao sự quyết đoán của đồng chí Võ Văn Kiệt trong triển khai xây dựng đường dây 500 KV. Lúc bấy giờ, có nhiều ý kiến phản đối, nhưng nhờ sâu sát thực tế, gắn bó, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, chắt lọc trí tuệ của nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn kiên định chủ trương chiến lược đó. Đồng chí Võ Văn Kiệt còn là người tổ chức thực hiện rất giỏi, đã rút ngắn được thời gian thi công công trình”.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ghi nhận nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo đóng góp lớn cho phát triển nông nghiệp, nhất là đảm bảo an ninh lương thực. Ông Nguyễn Công Tạn nói: “Suốt cả đời, đồng chí Võ Văn Kiệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Những chính sách mà đồng chí đặt ra nhằm nâng cao sản lượng lương thực, nâng cao đời sống nông dân đến giờ vẫn chưa phải điều chỉnh. Đồng chí chủ trương kiên quyết giữ đất nông nghiệp, đảm bảo giá thu mua lương thực có lợi cho nông dân, khi giá xuống thì Nhà nước phải can thiệp để giữ giá, không để ứ đọng lúa hàng hoá, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho các công trình thuỷ lợi cho trồng lúa...”.
“Chú Sáu Dân hết lòng vì dân và quê hương”
Nghe tin chú Sáu Dân (tên gọi thân mật của bà con quê nhà đối với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã mất, nhiều người ở Vĩnh Long bàng hoàng, không tin là sự thật vì ai cũng thấy như chú Sáu vừa đi thăm hoặc làm việc ở đâu đó trên quê hương Vĩnh Long.
Anh Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Vĩnh Long nhớ lại khi anh còn là Chánh Văn phòng UBND tỉnh, trong một lần bày tỏ quan niệm sống của mình, chú Sáu Dân đã nói : "Sống vui, sống khỏe, sống có ích và khi đã hoàn thành trọng trách với cuộc đời thì ra đi một cách thanh thản".
Khi nghe báo cáo về tải trọng của cầu Cái Tranh, cầu Bà Bổn trên đường tỉnh (ĐT) 902 không tương xứng với tải trọng cho phép suốt tuyến này, ngành Giao thông có ý hạn chế tải trọng xe khi lưu thông trên tuyến ĐT 902. Chú phân tích: làm cầu đường là để lưu thông, tuyến ĐT 902 từ khi nâng cấp đã giúp cho xe tải về chở gốm từ làng gốm đi thuận lợi, vì trước đây hai cầu này chưa có điều kiện nâng cấp thì nay cứ đi, nếu cầu hư thì sửa chứ không thể vì hai cây cầu yếu mà cấm lưu thông hết tuyến thì việc nâng cấp ĐT 902 đâu còn ý nghĩa gì. Chú đã góp ý với tỉnh, với các ngành chức năng và với huyện Vũng Liêm về việc xây dựng đình Bình Phụng, các công trình phố chợ Vũng Liêm, Hiếu Phụng, Trung Hiệp, Bia kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa, Công viên ngã ba An Nhơn, quy họach thị xã Vĩnh Long, quy hoạch huyện Bình Minh lên thị xã, xây dựng làng nghề sản xuất, trưng bày bán sản phẩm và kinh doanh du lịch từ lợi thế độc đáo của nghề gốm quê, xây dựng Bảo tàng nông nghiệp lúa nước... Chú còn quan tâm đến việc trùng tu Văn Thánh miếu, Văn Xương Các để trân trọng công lao mở cõi của Tiến sĩ Nam bộ đầu tiên Phan Thanh Giản. Chú là người thân, người bạn của giới doanh nghiệp, của ông nông dân, cả người lao động nghèo.
Anh Phạm Đình Lộc, Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long nay đã nghỉ hưu nhớ lại: “Ông Sáu là một nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng cũng là một người rất thân mật, gần gũi với tất cả mọi người”. Năm 2002, thực hiện chủ trương của tỉnh Vĩnh Long, anh Phạm Đình Lộc cùng với anh Nguyễn Chiến Thắng (Sao Vàng) - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Nhà Xuất bản Trẻ tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Ấn tượng Võ Văn Kiệt”. Chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 1 năm), các anh đã liên lạc, tìm kiếm và tập hợp được nhiều bài viết, hình ảnh của nhiều người, nhiều tầng lớp, ở khắp mọi miền của Tổ quốc nói về chú Sáu Dân. Đọc những bài bài viết đó, anh Lộc đã cảm nhận được tình cảm yêu thương, kính trọng của nhân dân Vĩnh Long nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với chú Sáu Dân . Anh Lộc nhớ lại: “Qua những đợt tôi và anh Sao Vàng làm việc với chú Sáu, chúng tôi đã học được ở chú Sáu Dân một phong cách làm việc: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm. Phương pháp làm việc của chú rất kỹ lưỡng, cân nhắc từng từ, từng câu, từng chữ, từng mặt phải, mặt trái, trước, sau đối với bất cứ vấn đề, sự việc nào.”
Sáng ngày 13/6, nói chuyện tại phòng làm việc, chị Mai Thị Bé Lan, Trưởng Phòng Tổng hợp UBND tỉnh Vĩnh Long rưng rưng nước mắt nhắc lại những kỷ niệm về chú Sáu Dân. Chị Lan nhớ và cảm động nhất là vào năm 1972, khi mới 15 tuổi chị đã đi hoạt động cách mạng, làm nhân viên đánh máy cho Văn phòng của Ban Tuyên huấn ở Khu Tây Nam Bộ. Thấy chị còn nhỏ tuổi nhưng tỏ ra có khiếu về viết lách, chú Sáu đã nhắc nhở các chú lãnh đạo Ban Tuyên huấn sắp xếp cho chị Lan đi học viết về Thông tấn, báo chí ở “R”.
Chị cảm động vì mình chỉ là một đứa bé, một nhân viên nhưng chú vẫn rất quan tâm. Tuy sau đó tình hình thay đổi, chị không đi học báo chí mà theo nghiệp Thống kê, giờ làm công tác tổng hợp tại UBND tỉnh, thỉnh thoảng được gặp chú Sáu, ấn tượng của chị về chú Sáu Dân vẫn không có gì thay đổi: luôn chu đáo, ân cần và thân mật với chị như cốt cách của một người cha.