Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản

14:56, 05/06/2008

Tiếp tục dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, trong ngày làm việc thứ 2 (6-6), các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào 2 tờ trình, đề án:

Tờ trình về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng, chì, kẽm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2015, có xét đến 2020; Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng và khai thác bến xe khách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến năm 2020.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 42 mỏ được thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì, kẽm, với tổng trữ lượng dự báo gần 1 triệu tấn. Trong đó, có 8 mỏ được thăm dò, 3 điểm quặng được tìm kiếm chi tiết, 31 điểm quặng còn lại chưa được điều tra hoặc điều tra ở mức độ khảo sát. Có thể nói trữ lượng quặng chì kẽm của tỉnh là khá lớn. Hiện có 3 đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến. Do đặc điểm mỏ nằm phân tán nên việc đầu tư chưa được chú ý. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã được chú ý nhưng tình trạng khai thác trái phép vẫn còn xảy ra, có nơi xảy ra nghiêm trọng. Việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì kẽm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2015 có xét đến 2020 là một giải pháp quan trọng nhằm lập lại trật tự, kỷ cương theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì kẽm trên địa bàn tỉnh.

Kết luận vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao việc xây dựng quy hoạch gắn phát triển công nghiệp, định hướng phát triển kinh tế- xã hội tại Tờ trình. Đồng thời cũng chỉ rõ: Về mục đích phải xác định cho được trữ lượng để các cơ sở khai thác, chế biến sau này sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Về định hướng phát triển phải sát với công tác điều tra, thăm dò, chế biến, cần tiến hành rà soát lại các cơ sở chế biến, kê chỉnh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực để tổ chức chế biến sâu, không xuất quặng thô ra ngoài tỉnh, cấm khai thác, vận chuyển quặng trái phép. Việc thăm dò, khai thác, chế biến quặng trì kẽm phải nhằm phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đảm bảo an ninh- quốc phòng.

Đồng chí cũng nhất trí với các nhóm giải pháp đã nêu ra trong Tờ trình. Yêu cầu khi tổ chức thực hiện phải tuyên truyền tốt Luật Khoáng sản. Rà soát các cơ sở chế biến khoáng sản để kịp thời chấn chỉnh, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đề nghị Sở Công nghiệp căn cứ vào các ý kiến đóng góp của các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy khẩn trương hoàn chỉnh Tờ trình theo hướng rút gọn, trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới.

Hiện nay, tỉnh có 5 bến xe khách, nhưng chỉ có bến xe trung tâm T.P Thái Nguyên là đạt tiêu chuẩn loại II thì đã sử dụng vượt quá công suất thiết kế gần 2 lần. Còn lại đều không đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông- Vận tải đưa ra. 4 đơn vị chưa có bến xe là: Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, T.X Sông Công. Xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe là một trong các giải pháp tích cực để huy động các nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo Đề án xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách trên địa bàn thì từ nay đến năm 2020, T.P Thái Nguyên sẽ xây dựng thêm 2 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1, mỗi huyện, thị xã sẽ xây dựng tối thiểu 1 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 4 trở lên.

Kết luận vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Vượng cho rằng: Đề án chuẩn bị chưa rõ. Yêu cầu trình bày rõ quy hoạch các bến xe trên địa bàn, cũng như đánh giá hiện trạng, nhu cầu vận tải hành khách, chủ trương xã hội hóa, cơ chế chính sách đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp. Giao cho ngành Tài chính, Thuế thẩm định khung miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đề án cần bổ sung nêu rõ chức năng quản lý Nhà nước của ngành giao thông. Về phân kỳ đầu tư, giai đoạn 2008-2010 tập trung xây dựng bến xe trung tâm của T.P Thái Nguyên, vị trí điểm giao cắt giữa đường Quang Trung và đường tránh T.P Thái Nguyên mới là hợp lý. Đồng thời đầu tư xây dựng bến xe ở khu vực phía Nam T.P Thái Nguyên trước, phía Bắc xây dựng sau. Đối với các huyện, thị xã có từ 1-2 bến xe.