Thực hiện Chương trình 135 ở Đại Từ: Hiệu quả chưa cao

15:04, 22/06/2008

Trong 2 năm 2006-2007, huyện Đại Từ có 10 xã ATK và một xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ chương trình 135 giai đoạn 2.

 Nhiều hộ dân ở những xã này đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo nhờ được hỗ trợ, tạo điều kiện về vật chất cũng như tinh thần, được tiếp thu tiến bộ KHKT để thúc đẩy sản xuất nông- lâm nghiệp thông qua các chương trình, nhưng thực tế triển khai thực hiện lại cho thấy hiệu quả chưa được như mong muốn.

Đơn cử như chương trình nuôi bò cái sinh sản, do thời gian triển khai đi mua bò vào tháng 12-2007, thời tiết lúc đó đang rét đậm, rét hại kéo dài, thức ăn chăn nuôi bò khan hiếm; nhiều hộ chưa kịp trồng cỏ, mặc dù dự án triển khai từ giữa năm 2007, song do khâu chuẩn bị bình chọn hộ hưởng lợi từ cơ sở xã và hoàn tất thủ tục chậm nên đã ảnh hưởng đến chương trình. Một số con bò mua về được vài hôm thì bị ngã nước, mắc bệnh tiêu chảy, bị ốm chết; số bò sống do thiếu thức ăn nên còi cọc, gầy ốm, chậm phát triển, một số hộ đã phải bán đi chuyển sang nuôi trâu. Tổng đàn bò Dự án hỗ trợ 134 con/10 xã đến nay còn lại không nhiều, đơn cử: Hoàng Nông 3/14 con; Khôi Kỳ 1/4 con; La Bằng 4/20 con… 

Các xã được hưởng lợi từ Chương trình 135, gồm: Mỹ Yên, Khôi Kỳ, Hoàng Nông, Bản Ngoại, La Bằng, Phú Xuyên, Phú Cường, Minh Tiến, Đức Lương, Phúc Lương, Quân Chu.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì Chương trình đã được triển khai đúng theo kế hoạch chỉ đạo và phân bổ, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích (trung bình mỗi xã được đầu tư 240 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất). Các xã đều thành lập Ban quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135; Ban giám sát theo quy định gồm đại diện thường trực HĐND xã là trưởng ban, lãnh đạo MTTQ xã là phó ban, đại diện các đoàn thể của xã và các xóm là thành viên.

Việc lựa chọn nội dung đầu tư đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đều được họp bàn, bình xét từ xóm, đảm bảo nội dung, theo thứ tự ưu tiên và đúng đối tượng. Công tác tuyên truyền phổ biến ý nghĩa, mục đích, nhiệm vụ của Chương trình 135 trong nhân dân cũng được làm tốt, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con, nhất là trong khâu đối ứng vốn thực hiện.

Một số chương trình khác như trồng tre lấy măng, nuôi lợn Móng Cái; chương trình đầu tư trực tiếp mua thiết bị phục vụ sản xuất (máy chế biến chè, tôn quay, máy vò chè, máy bơm điện…) cũng không đạt được hiệu quả cao. Đồng chí Lương Thị Năm, Phó Ban Quản lý Dự án cho rằng: Thời gian triển khai và thực hiện chương trình là rất ngắn, một số nội dung chương trình lại có dự thay đổi; thời gian triển khai, thực hiện thanh quyết toán dự án rất gấp, cơ chế chính sách, thủ tục thanh toán cũng có thay đổi nhiều. Đây lại là năm đầu tiên các xã thực hiện dự án, cán bộ chuyên môn thiếu, chưa có kinh nghiệm, nên còn lúng túng trong quá trình triển khai, thực hiện…

Để Chương trình 135 tạo ra được những chiếc "cần câu" thật sự giúp đỡ những hộ nông dân ở những xã ATK, những xã đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, đòi hỏi các cấp, ngành có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tìm ra được những giải pháp khả thi kịp thời kê chỉnh và khắc phục những tồn tại nêu trên, để những hộ nông dân không chỉ sử dụng đồng vốn đúng mục đích mà còn đạt được những hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở những xã còn nhiều khó khăn, xã ATK được hưởng lợi từ các chương trình, dự án.