Theo tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, 4h sáng nay (ngày 6-8), vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ Bắc; 114,0 độ kinh đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 210 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km/giờ), giật trên cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Đông và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13g ngày 7-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,9 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là 39 - 49 km một giờ), giật trên cấp 6.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông- Trung Quốc) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9, biển động rất mạnh. Từ chiều và đêm mai (7-8), ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của bão, các ban ngành đã chủ động khẩn trương phòng chống bão số 4. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đã thông báo cho các ngư dân đang hoạt động tại vùng biển nguy hiểm. Hiện đã thông báo cho 4.021 tàu/28.685 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 4. Cụ thể, khu vực quần đảo Hoàng Sa và khu vực bãi cạn Đông Nam quần đảo Hoàng Sa có 58 tàu/784 ngư dân; trên vùng biển khác và vùng ven bờ: 3.963 tàu/27.901 ngư dân.
Ngay sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 4, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương liên tiếp có các công điện khẩn chỉ đạo các địa phương đối phó với cơn bão số 4. Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã yêu cầu, để chủ động phòng tránh và hạn chế những thiệt hại do mưa, lũ gây ra, các tỉnh cần cử cán bộ xuống địa bàn, phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở và các ngành liên quan kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư sống ven sông, ven suối, vùng thấp, trũng, khu vực có nguy cơ bị sạt lở, khu vực hạ lưu các hồ chứa nước; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng ven sông, suối, vùng hạ lưu các hồ chứa trọng điểm để đảm bảo an toàn cho người, tài sản.
Bên cạnh đó, Văn phòng cũng ra thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng, đặc biệt là các công trình trên sông, ven sông, suối, các chủ phương tiện vận tải thuỷ và các khu vực khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Đồng thời, bố trí lực lượng cảnh giới tại các bến đò, đường ngầm, đường tràn; những đoạn đường giao thông dễ bị ngập để hướng dẫn giao thông; cấm người và phương tiện qua lại những khu vực trên khi có dòng chảy xiết. Nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm không cho người vớt củi trên các sông suối khi đang có lũ. Ngoài ra, khẩn trương kiểm tra hồ chứa nước trên địa bàn, phát hiện và xử lý ngay những sự cố để đảm bảo an toàn công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra….