Ngày 1-8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan, giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.
Làm việc với Đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi giám sát: Từ năm 2005 đến năm 2007, các văn bản của T.W và địa phương về đầu tư XDCB sử dụng vốn nhà nước tương đối kịp thời, sửa đổi bổ sung phù hợp với tình hình cụ thể. Tỉnh đã chủ động bám sát các quy định của T.W để ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể. Việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, kế hoạch được tỉnh chú trọng và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng được dựa trên các quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế- xã hội và quy hoạch ngành. Công tác xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm được xác định trên cơ sở quy hoạch được duyệt và các mục tiêu chủ yếu của địa phương; kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm được thực hiện theo đúng khung hướng dẫn của Bộ, ngành T.W. Danh mục dự án và nguyên tắc phân bổ vốn được thông qua HĐND tỉnh trước khi giao kế hoạch. Việc phân cấp đầu tư tỉnh đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp đầu tư cho các cấp, ngành; toàn bộ nguồn vốn đầu tư được phân cấp theo Luật ngân sách thuộc nhiệm vụ chi cho cấp huyện, xã. Vốn các chương trình mục tiêu cũng được phân cấp cho các huyện. Việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư thực hiện đúng quy định theo thứ tự ưu tiên, căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành và mục tiêu ưu tiên kế hoạch 5 năm các dự án đầu tư được giao cho đơn vị sử dụng trực tiếp quản lý, nếu không có chuyên môn đều thuê tư vấn chuyên ngành giám sát và tổ chức quản lý dự án theo quy định. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính về đầu tư XDCB đã tiến hành công khai hoá các thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Sở Kế hoạch và đầu tư. Đồng thời đã ban hành thống nhất quy định về quản lý đầu tư XDCB, công khai quy trình về quyết toán vốn đầu tư, các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cho thấy không có biểu hiện vi phạm pháp luật, song về đấu thầu rộng rãi còn thấp.
Các quy định về thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo các hình thức BOT, BT, huy động vận động nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo, hiệu quả, ít ảnh hưởng đến đời sống người nghèo và dân cư vùng khó khăn. Phân bổ ngân sách đúng mục tiêu, công khai, đảm bảo về cơ cấu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hợp lý; phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên, trả nợ, thanh toán vốn cho các dự án theo đúng quy định; công tác kiểm tra, giám sát; thẩm định, đánh giá hiệu quả đầu tư được quan tâm nên trong những năm qua tỉnh đã chấm dứt được nợ đọng XDCB; nguồn vốn đầu tư ngày càng tăng nên tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh tăng cao, bình quân hàng năm tăng 10,88%/năm
Trong 3 năm (từ 2005-2007) việc sử dụng vốn Nhà nước đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn cơ bản đã đáp ứng được tiến độ và các mục tiêu của T.W, địa phương đề ra. Về hạ tầng điện nông thôn đã xây dựng được 1.215,8 km đường dây và 296 trạm biến áp. Đến nay, 100% xã trong tỉnh đã có lưới điện quốc gia, đưa tỷ lệ sử dụng điện đạt 98,4%. Vê đường giao thông, 183,5 km tuyến đường liên huyện; 3.016,6 km tuyến đường liên xã; 600,2 km đường liên thôn và 334 cầu các loại, nên đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Bên cạnh đó, hàng chục km tuyến kênh đê chính, đê quai, kênh cấp I, cấp II, cấp III nội đồng đã được kiên cố; 25 hồ chứa, hồ đập được cải tạo. 93 công trình nước sạch được xây dựng nên 72% số dân nông thôn đã được sử dụng nước sạch. Đặc biệt, đã có 3.179 phòng học được kiên cố nên 100% số xã đã có trường tiểu học và THCS. Đó là chưa kể đến việc đầu tư kiên cố 57 trạm y tế xã; xoá nhà tranh tre tạm, nhà dột cho hộ nghèo; xây dựng chợ; cơ sở hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc; xây dựng nhà văn hoá (1.109 nhà văn hoá xóm, thôn được kiên cố).
Bên cạnh những mặt được, cũng còn một số hạn chế như: Việc ban hành các văn bản pháp luật về đầu tư XDCB chưa đồng bộ, thống nhất cao; thủ tục hành chính còn rườm ra; công tác thanh toán, quyết toán các dự án còn chậm; kết quả đầu tư phát triển cơ cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế về tổ chức thực hiện, chưa làm tốt công tác huy động vốn đóng góp của nhân dân, việc quản lý bảo trì các công trình sau đầu tư do các xã phường, thị trấn quản lý chưa được thực hiện đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình... Từ đó, tỉnh đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số vấn đề . Đối với T.W, công tác ban hành văn bản cần kịp thời hơn, đồng bộ để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất; cần ban hành sớm Luật Đầu tư công để có tiêu chí rõ ràng đánh giá dự án, xác định quy mô, hiệu quả đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thẩm định và đánh giá hiệu quả dự án. Tăng cường phân cấp cho các chủ đầu tư được quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với hình thức chỉ định thầu ở mức cao hơn; đơn giản hoá các thủ tục hành chính về đấu thầu và chỉ định thầu đối với gói thầu có quy mô nhỏ. Cần điều chỉnh một số nội dung trong một số văn bản đã ban hành đảm bảo tính chủ động, gắn với trách nhiệm của địa phương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Đồng thời đề nghị T.W cân đối thêm nguồn vốn năm 2008 cho địa phương do lạm phát nên chi phí đầu tư cho các dự án chuyển tiếp và khởi công mới tăng thêm 30% dự toán được duyệt ban đầu... Đối với tỉnh yêu cầu các cấp ngành cần thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra giám sát các dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư; công khai, minh bạch trong quá trình phân bổ và quản lý vốn đầu tư.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh, đại diện các Bộ, ngành, Uỷ Ban kinh tế ngân sách của Quốc hội đã đề nghị tỉnh cần làm rõ một số nội dung về việc vốn đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa; huy động vốn ngoài xã hội; các văn bản của tỉnh về công tác đầu tư XDCB có gì sáng tạo mà vẫn đảm bảo đúng luật; có sự chồng chéo hoặc không đồng bộ giữa các văn bản của T.W và địa phương; vấn đề phân cấp trong đầu tư XDCB ở địa phương; công tác quy hoạch vùng và ngành có gắn kết; vấn đề quản lý đầu tư; mô hình các ban quản lý đầu tư, chủ đầu tư có gì khác với T.W? có tình trạng lãng phí trong quy hoạch; tư vấn quy hoạch; có thất thoát trong XDCB; chất lượng các công trình; thủ tục giải ngân; những khó khăn trong triển khai các dự án... Lãnh đạo tỉnh và các ngành đã giải trình những vấn đề nêu trên. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã khẳng định: Chủ trương đầu tư đã phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Các công trình đã phát huy hiệu quả rất tốt, nhất là các công trình thuộc nhóm giao thông; đầu tư cho kiên cố hoá trường lớp học và nhóm dự án về kiên cố kênh mương. Địa phương chấp hành tốt chủ trương, chính sách trong công tác đấu thầu, phân cấp đầu tư, công khai minh bạch. Song cũng thừa nhận những điểm còn hạn chế trong công tác quy hoạch, đấu thầu, giải phóng mặt bằng; giao thông chưa đáp ứng.
Phát biểu tại cuộc giám sát, đồng chí Hà Văn Hiền đã ghi nhận những cố gắng của tỉnh trong công tác sử dụng vốn đầu tư XDCB. Đồng thời chỉ ra những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng đất đai, du lịch, nguồn nhân lực cần được khai thác, phát huy để phát triển mạnh kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đồng chí cũng đánh giá cao những cố gắng của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội có chiều hướng phát triển tốt, đặc biệt là công tác thu ngân sách, thu hút đầu tư. Song đồng chí cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về chống lạm phát, trong đó lưu ý vấn đề tiết kiệm chi tiêu công, kiểm soát vốn đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Về vấn đề đầu tư XDCB tỉnh đã thực hiện rất tốt, khá nghiêm túc từ chủ trương đến phân bổ vốn, công tác kiểm tra, kiểm soát; thực hiện các quyết định của cấp trên. Do vậy đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, không có sai sót lớn; đảm bảo tiến độ thực hiên các dự án. Qua đó, số dự án được thực hiện chiếm tỷ trọng lớn, không có nợ đọng XDCB; các dự án đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của tỉnh. Tuy nhiên, về hạn chế, hệ thống văn bản còn nhiều, chồng chéo; các chính sách bổ sung, điều chỉnh chưa kịp thời; công tác quản lý nhất là mô hình quản lý còn nhiều ý kiến; phân cấp quản lý hạn chế; thủ tục phê duỵệt, đấu thầu, thanh toán còn rườm rà; giải ngân chậm; giải phóng mặt bằng còn nan giải... Đồng chí cũng đã lưu ý những kiến nghị của tỉnh và sẽ có sự đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành liên quan xem xét giải quyết.