Vào thời điểm này, giá các mặt hàng vật tư phân bón đều tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nông- lâm nghiệp của người nông dân. Tại huyện Phổ Yên, vụ mùa 2008 này, người dân đầu tư chi phí cho sản xuất nông nghiệp cầm chừng, khiến năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng bị ảnh hưởng đang đặt ra trước mắt.
Trước đây, 1 sào lúa, người dân thường bón 6-8 kg phân đạm, 15-20 kg lân, 5-6 kg kali thì vụ này chỉ bón bằng 30-40% so với trước. Thế nhưng, chi phí cho phân bón đã mất gần 130.000 đồng/sào, phun 3-4 lần thuốc trừ sâu hết gần 100.000 đồng/sào, tiền thuê công lao động để cày bừa 90.000 đồng/sào, cấy 70.000 đồng/sào, cắt lúa 90.000 đồng/sào, chưa kể công phun thuốc trừ sâu 50.000 đồng/công, lại thêm tiền giống từ 14.000 đến 16.000 đồng/kg (1 sào lúa cần 1-2 kg thóc giống)... Cánh đồng này mọi năm, năng suất lúa luôn đạt 2 tạ/sào nhưng năm nay có lẽ chỉ đạt trên 1 tạ/sào. Giá cả thế này, tính ra 1 sào lúa nông dân mất gần 600.000 đồng chi phí tối thiểu, trong khi giá thóc bán hiện là 5.800 đồng/kg. Vậy là, nông dân mặc dầu giảm chi phí đến mức thấp nhất cũng thấy... lỗ rồi.
Tại cánh đồng xóm Diện, một số người dân cho chúng tôi biết: Năm nay, phân kali tăng cao, hiện đang ở mức 16.800 đồng/kg, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2007. Vì không có tiền mua kali, bà con phải chuyển sang dùng phân hỗn hợp NPK Lâm Thao 12510 với giá 7.000 đồng/kg do có thành phần kali cao để bón cho lúa. Vẫn biết, thiếu kali, lúa sẽ bị lép nhưng chúng tôi đành phải chọn phương án này "cực chẳng đã" này.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Ngô Văn Mai, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Phổ Yên được biết: Từ tháng 2-2008, giá vật tư nông nghiệp bắt đầu tăng cao, đơn vị cũng chỉ dám nhập về 1.600 tấn phân bón các loại để phục vụ cho sản xuất vụ mùa. Tính đến hết tháng 7-2008, Chi nhánh tiêu thụ được gần 1.000 tấn phân bón các loại, giảm trên 40% so với cùng kỳ. Qua so sánh bảng giá, phần lớn các loại phân như đạm (9.080 đồng/kg), lân (3.970 đồng/kg), kali (16.680 đồng/kg) đều tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái.
Năm 2008, huyện Phổ Yên phấn đấu chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực đạt trên 54.000 tấn. Kết thúc vụ xuân, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 29.000 tấn, còn lại trên 25.000 tấn Phổ Yên dồn sức cho vụ mùa. Với gần 200 ha đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang phục vụ các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn nên vụ mùa năm nay, toàn huyện chỉ cấy được trên 5.800 ha. Diện tích giảm, người dân lại không chú trọng đầu tư chăm sóc thì kế hoạch vụ mùa này sẽ không thể hoàn thành.
Bà Trần Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện khuyến cáo: Dù giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng bà con vẫn phải thực hiện đúng quy trình bón đúng lúc và đúng cách để cây lúa đạt năng suất, sản lượng theo tiêu chuẩn. Một trong những giải pháp được đưa ra lúc này giúp người nông dân giảm chi phí là sử dụng các loại phân bón bổ sung qua lá, giá các loại phân này không tăng cao như phân vô cơ mà hiệu quả vẫn đảm bảo.